Loại thực phẩm giàu dinh dưỡng
Các nghiên cứu cũng cho thấy, trong quả cà chua chứa rất nhiều chất bổ dưỡng như đạm, đường, chất béo, vitamin và nhiều chất khoáng vi lượng như canxi, sắt, kali, photpho… Trong 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hằng ngày về vitamin A, 8% nhu cầu vitamin B6, từ 33 – 50% nhu cầu vitamin C cho cơ thể, bên cạnh đó còn vitamin B1 (0.06mg), B2 (0.04mg), PP (0.5mg).
Cà chua còn có chứa chất lycopene, đây là là loại chất cơ thể không tự tạo ra được mà chỉ bổ sung qua đường ăn uống. Chất lycopene có tác dụng chống oxy hóa giúp cơ thể chống lão hóa, làm đẹp da, chống lại bệnh ung thư và một số loại bệnh khác.
Bên cạnh đó, cà chua còn được biết đến có tác dụng giúp ngăn chặn hiện tượng tắt nghẽn của gan, phòng tránh bệnh xơ gan. Thành phần hóa học có trong nước ép cà chua là liều thuốc tự nhiên giúp hòa tan sỏi mật từ gan, một căn bệnh khá phổ biến hiện nay.
Với những tác dụng tuyệt vời và giá trị dinh dưỡng cao, cà chua trở thành một loại thực phẩm được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thực phẩm này đúng cách sao cho không làm mất đi chất dinh dưỡng và gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ lại là điều không phải ai cũng biết.
Cà chua tốt cho sức khỏe
Khi đói tuyệt đối không ăn cà chua
Lương y Chu Văn Tiến, Hội Đông y Vĩnh Tường cho biết: Trong cà chua chứa tương đối nhiều chất pectin và nhựa phenolic, chính vì vậy không được ăn cà chua lúc bụng đói. Bởi vì khi đó, các chất có trong cà chua kết hợp với dịch vị và các axit trong dạ dày dễ tạo ra những phản ứng hóa học tiêu cực gây đầy bụng, khó tiêu, dạ dày tiêu thụ những chất này có thể gây ra tình trạng nôn mửa, đau bụng. Nếu lâu ngày có thể dẫn đến các bệnh liên quan tới dạ dày.
Chính vì vậy, bạn không nên ăn cà chua trong khi đói, nhất là đối với những trường hợp giảm béo với cà chua, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý những điều sau khi ăn cà chua: Không ăn cà chua và dưa chuột cùng một lúc bởi vì enzym catabolic có trong dưa chuột sẽ phá hủy hàm lượng vitamin C – loại vitamin có nhiều trong cà chua.
Không dùng cà chua nấu chín để lâu: Khi cà chua nấu chín kỹ hoặc để lâu thì các chất dinh dưỡng và hương vị sẽ bị mất đi. Bên cạnh đó, trong quá trình bảo quản cà chua, các điều kiện môi trường, nhiệt độ không đảm bảo sẽ khiến chất dinh dưỡng biến đổi thành những chất độc hai, khi ăn vào có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khoẻ.
Chỉ nên ăn cà chua với số lượng vừa phải, không ăn quá nhiều tránh hiện tượng cơ thể không dung nạp các chất dinh dưỡng. Kéo dài có thể gây ra bệnh về đường tiêu hóa như đau dạ dày, bí khí…
Không ăn cà chua xanh bởi các chất độc hại có tên là alkaloid có chứa trong cà chua xanh (sẽ mất dần đi trong quá trình chín đỏ) chính là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiết nước bọt, yếu sức, mệt mỏi… Do vậy, chỉ nên ăn cà chua đã chín đỏ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, có rất nhiều cách sử dụng loại thực phẩm này như ăn sống trực tiếp, ép lấy nước uống, nấu thành sốt hay cho vào các món ăn khác, nhưng các nhà khoa học khuyên rằng ăn cà chua nấu chín sẽ tốt hơn so với ăn sống. Bởi khi nấu chín thì cà chua sinh ra chất lycopene. Lycopene không bị giảm nhiều trong giai đoạn chế biến giống như các vi chất dinh dưỡng khác. Thay vào đó, việc nấu chín làm tăng đáng kể sự đồng hóa lycopene từ đường tiêu hóa vào máu.
Ngoài ra, đối với những người bị bệnh viêm dạ dày, bệnh đại tràng cấp tính… thì không nên ăn cà chua để tránh làm bệnh nặng thêm.
Bình Nguyên