Lệ quyền cao hơn pháp luật
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định ban hành Chương trình hành động của UBND TP HCM thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong 8 nhóm giải pháp đề ra, việc xây dựng, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ được chính quyền TP nhấn mạnh nhiều lần. Theo đó, tới đây, cán bộ yếu kém ở TP HCM sẽ bị miễn nhiệm, thay thế ngay mà không cần chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Câu chuyện về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, tinh giảm biên chế, tập trung vào tính hiệu quả của cán bộ công chức… đã bàn nhiều, nhưng hiện vẫn đang ở trạng thái khá bế tắc. C
hủ trương thì rất đúng đắn, hay ho, đáng hoan nghênh, nhưng lộ trình thực hiện thế nào, bắt đầu ra sao thì lại chưa có sự chuẩn bị. Giảm biên chế ngay những người không làm được việc. Nhưng thế nào là người không làm được việc?
Tôi tưởng là để đánh giá hiệu quả công việc của từng người thì không khó?
Để đánh giá hiệu quả công việc, đáng lẽ mỗi người đều phải có bản mô tả công việc theo đúng các mẫu có sẵn thể hiện đầy đủ các hoạt động trong kế hoạch, các hoạt động phát sinh. Chứ người ta không đo năng lực bằng việc anh có bằng cấp nọ, học hàm kia để đánh giá như ta hiện nay.
Câu chuyện này đưa ra trong bối cảnh những bức xúc về năng suất lao động đang quá thấp, thì rất chia sẻ, đáng mừng. Nhưng bảo để đuổi ai, thì rất khó. Không cẩn thận lại nảy sinh những hệ lụy khó giải quyết.
Cụ thể là?
Ví dụ như vụ ở Yên Bái trước đây, là do công tác cán bộ không minh bạch, không công khai mới dẫn đến hiện tượng xử lý lẫn nhau.
Nếu thực hiện chủ trương này ngay, tôi nghĩ là không khả thi, do thiếu sự chuẩn bị, thiếu đồng bộ. Còn chỉ nói cho có hình thức, làm an lòng dư luận thì không bàn.
Trước giờ chúng ta quen theo kiểu một người làm việc nhưng lại có rất nhiều mối quan hệ khác nhau, thành ra hành xử cũng theo lệ quyền nhiều hơn là pháp luật. Hệ thống công vụ của ta hiện nay vẫn bị áp đảo bởi lệ quyền mà không có chế tài nào. Thế thì đánh giá năng lực thế nào?
Lệ quyền là gì ạ?
Đó thực chất là “phép vua thua lệ làng”, đưa những người thân hữu, thân tộc, những người “chạy chọt” vào hệ thống công vụ tạo ra một thông lệ không có quy chuẩn mà chỉ ngầm hiểu với nhau.
Thế nên chủ trương là tốt để xây dựng hệ thống công vụ minh bạch, chuyên nghiệp, nhưng đưa ra mà không có lộ trình chuẩn bị thì e rằng nó chỉ dừng lại ở sách vở, chủ trương mà khó đi vào thực tiễn.
Nếu muốn làm được thì cần đến một lộ trình dài và cụ thể.
Ví dụ như phải đặt ra mốc sẽ đuổi bao nhiêu người vào năm bao nhiêu?
Ví dụ như đặt ra mục tiêu như đến năm 2021, phải “đẩy” được 10% cán bộ công chức trong hệ thống, những người làm việc yếu kém, không hiệu quả, ra khỏi hệ thống công vụ. Chủ trương ấy có lộ trình thực hiện, làm sao để tinh giảm đúng người, chứ không làm theo kiểu hình thức.
UBND TP HCM chỉ đạo phải xây dựng cơ chế theo dõi, thường xuyên giám sát việc tăng, giảm tài sản của cán bộ và tính trung thực của việc kê khai tài sản sẽ được xem là tiêu chí đánh giá phẩm chất đạo đức công vụ. Các sở, ngành liên quan đến ngân sách, tài nguyên được giao phối hợp xây dựng cơ chế để phát huy vai trò tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu về quản lý tài sản công, ngân sách và quản lý tài nguyên, môi trường; đẩy lùi tiêu cực trong sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước, ngăn chặn việc hình thành các “nhóm lợi ích”, “sân sau” và các biểu hiện “tham nhũng chính sách”.
Giáo sư đương nhiên giỏi hơn phó giáo sư?!
Đánh giá một người có năng lực hay không để tinh giảm đúng là khó, nhưng ở góc nào đó thì cũng dễ, đúng không thưa ông?
Hôm nay tôi có hỏi một số cán bộ ở Lạng Sơn nơi tôi đang có lớp giảng về chủ đề này, tôi cũng đều nhận được câu trả lời rằng hình thức là thế, nhưng khó lắm, không làm nổi trong thời điểm này.
Để loại cán bộ năng lực yếu kém thì cần đến nhiều thứ lắm. Ở các nước phát triển họ có bảng mô tả công việc rất khoa học, chi tiết. Chỉ cần liệt kê ra các công việc đã làm, được giao ra sao, bảng sẽ cho ra kết luận là hoàn thành công việc như thế nào, tốt hay không tốt.
Còn ở ta, đánh giá này không khách quan. Nếu chỉ dựa trên các tiêu chí ấy thì lại không đánh giá đúng năng lực. Ta chỉ làm được khi cũng xây dựng được những bộ công cụ đánh giá năng lực và thực hiện triệt để, không để lệ quyền lấn át hết.
Với cách đánh giá năng lực của cán bộ ta đang sử dụng hiện nay thì có gì chưa phù hợp?
Rất khó để đánh giá đúng người nào có thực tài nếu chỉ nhìn vào bằng cấp, học hàm học vị của họ. Ta vốn đánh giá theo kiểu rất cơ học rằng giáo sư thì đương nhiên giỏi hơn phó giáo sư, phó giáo sư đương nhiên giỏi hơn cử nhân.
Cứ như thế mà đánh giá mức độ hoàn thành công việc, đương nhiên như thế thì không đi vào thực chất năng lực của mỗi người. Bởi như tôi biết có những phó giáo sư cả năm không có công trình nào, trong khi cử nhân thì có đến dăm bảy bài báo, công trình nghiên cứu.
Thế thì đuổi ai đây, ai mới là người yếu kém đây? Thế nên bản thân tôi thấy loại bỏ công chức yếu kém là vấn đề rất bế tắc.
Vậy là ai cũng biết rằng phải nâng cao chất lượng cán bộ công chức, nhưng làm như thế nào thì lại khó?
Hiện nay, 4 người dân đóng thuế để nuôi 1 cán bộ công chức. Nhưng 1/3 cán bộ công chức lại không làm được việc, năng lực yếu, cần tinh giảm.
Vậy thì đẩy ai ra khỏi bộ máy đây? Nếu giảm được, dồn số lương của 1/3 người ấy cho những người làm được việc thì chắc chắn những người này sẽ yên tâm làm việc và cống hiến tốt hơn.
“Tự giác” là thứ xa xỉ
Cũng theo chủ trương của TP HCM, những người trong bộ máy có năng lực yếu, đạo đức kém, tín nhiệm thấp cũng được chính quyền TP khuyến khích tự giác từ chức. Điều này liệu có dễ làm?
Nói đến tự giác thì khó lắm. Tự giác vốn là một thứ gì đó xa xỉ lắm. Tôi nghĩ là nên bàn đến những vấn đề thực tế hơn, dễ định lượng hơn.
Chứ để cán bộ tự giác từ chức thì cực kỳ khó. Bởi suy cho cùng, có một vị trí trong hệ thống công vụ không phải là dễ dàng gì, là mơ ước của hàng triệu người, đâu dễ gì từ bỏ.
Phải chăng vì công chức thì có nhiều bổng lộc nên chẳng ai muốn tự giác từ chức?
Nó có nhiều nguyên nhân lắm. Chúng ta đã để điều này quá dài, quá lâu rồi. Kêu gọi lòng tự giác là khó, vì lương trả cho công chức hiện đang bình quân, không tạo ra tính kích thích cho những người có năng lực làm việc.
Cơ chế của ta chưa có tiêu chí đánh giá một cách khách quan, minh bạch, công bằng về năng lực cán bộ, nên người ta không làm việc trên tinh thần cống hiến nỗ lực hết mình.
Việc thực thi luật không nghiêm, biểu hiện vừa rồi là một loạt địa phương bị phanh phui đưa con cháu, người nhà vào các vị trí công vụ, rồi thăng tiến thần tốc.
Thế là người ta nghĩ rằng, thành thật thì thua thiệt, đấu tranh thì tránh đâu. Do cơ chế ấy nên ai cũng phải khư khư cái ghế của mình, chỗ đứng của mình, chẳng dại gì mà phải tự giác, vì ai ai cũng thế cả.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tô Hội (thực hiện)