<div> <p>Trao đổi về công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Trần Trí Trung, Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nói: <span>“Quan điểm của tôi là cơ chế thanh tra, kiểm tra không soi mói, không gây khó khăn, mà phải phát hiện, chấn chỉnh ngay từ đầu để phòng ngừa những sai phạm, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ với các bộ phận khác trong kỳ thi, đảm bảo công tác tổ chức, thực hiện ở tất cả các cấp độ đúng quy định, quy trình”, ông Trung nhấn mạnh.</span></p> <p>Ông Trung cũng thẳng thắn, một số địa phương “ngại” thanh tra là tâm lý thường tình. Con người đều có xu hướng chủ động, tự do, không thích người khác quan sát, theo dõi, nhắc nhở suốt quá trình làm việc của mình.</p> <p>Tuy nhiên, dù là đơn vị tổ chức kỳ thi, hay là lực lượng coi thi, chấm thi, thanh tra thi, đều chung nhiệm vụ đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, minh bạch.</p> <p>“Giá trị của thanh tra không thể phủ nhận. Thanh tra giữ vai trò cảnh báo, nhắc nhở để mọi người lưu ý không lơ là”, ông Trung chia sẻ.</p> <p>Theo ông Trần Trí Trung, ĐHQGHN là một trong những cơ sở được Bộ GD&ĐT huy động tham gia công tác thanh tra thi từ những năm 2007, 2008. Vì vậy, cán bộ thanh tra thi hàng năm đều là lực lượng nòng cốt, nhiều kinh nghiệm, trách nhiệm cao và rất nghiêm túc.</p> <p>Với kinh nghiệm đó, ông Trung cho rằng, yếu tố con người và sự chuẩn bị sẽ góp phần đảm bảo công tác thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.</p> <p>Về con người, cán bộ thanh tra phải chọn lọc kỹ từ cơ sở, có kinh nghiệm trong quá trình tổ chức kiểm soát thi, kiểm tra, nhất quyết không thể cử những người không đạt yêu cầu.</p> <p>“Điều quan trọng nhất để đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là mỗi bộ phận, mỗi con người hãy làm đúng chức phận của mình. Thanh tra giúp “làm đúng” chứ không “làm thay”, ông Trung nói</p> <p><span>Ông Trung cũng lưu ý, trong các đoàn thanh tra của Bộ, của tỉnh, phải chú ý đến vai trò đặc biệt quan trọng của trưởng đoàn. Người trưởng đoàn cần am hiểu, trách nhiệm rất cao, gắn bó với hoạt động thi cử, kiểm tra, có khả năng xử lý tình huống phát sinh ngay trong nội bộ đoàn thanh tra và trong mối quan hệ với địa phương, thầy cô giáo. Trưởng đoàn lạnh lùng quá có thể gây căng thẳng không đáng có, còn dễ dãi quá sẽ không thể triển khai được chức năng của mình.</span></p> <p>Về quá trình chuẩn bị, ông Trung nhấn mạnh, phải tập huấn kỹ lưỡng cho lực lượng thanh tra, đảm bảo nắm vững quy trình và nâng cao tinh thần trách nhiệm. “Tôi luôn quán triệt với các thầy, cô là thanh tra khác thí sinh ở chỗ “được sử dụng tài liệu”. Quy định vốn rất chặt chẽ, rất tốt rồi. Anh em có quy chế, quy định trong tay để đối chiếu, cứ thế triển khai thì đảm bảo”, ông Trung lưu ý.</p> <p>Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế, ĐHQGHN đề xuất, Bộ GD&ĐT cần có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH cử cán bộ thanh tra sớm nhất có thể. “Vậy chúng tôi mới có đủ thời gian để chọn người tinh túy, bản lĩnh. Nếu gấp gáp, có thể sẽ không đủ người đạt yêu cầu”, ông Trung bày tỏ.</p> <p>Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, kỳ thi THPT giao quyền cho các địa phương, tuy nhiên tất cả các khâu của công tác thi như: ra đề, coi thi, làm phách, chấm thi, đều có quy trình hết sức chặt chẽ, theo chỉ đạo chung. “Bộ GD&ĐT cũng sẽ điều động giảng viên các trường ĐH tham gia thanh tra kỳ thi để tăng cường sự minh bạch. Theo tôi, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm, tự tin thi, không cần lo lắng về gian lận thi cử”, PGS Công khẳng định.</p> <p><strong>Cán bộ thanh tra phải “qua bài kiểm tra”</strong></p> <p>Về phía Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ cho biết sau khi Quy chế thi được ban hành, phương án thanh tra/kiểm tra thi của Bộ được lãnh đạo Bộ phê duyệt (phương án gồm tổ chức đoàn thanh tra/kiểm tra thi của Bộ và phương án hướng dẫn tổ chức đoàn thanh tra/kiểm tra thi của địa phương), Bộ sẽ ban hành Hướng dẫn thanh tra/kiểm tra thi.</p> <p>Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tập huấn công tác thanh tra, kiểm tra thi. Việc tập huấn cho đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nhiều bước.</p> <p>Bước 1, tập huấn cho Lãnh đạo Sở, Thanh tra sở; lãnh đạo cơ sở giáo dục ĐH, thanh tra nội bộ đối với các cơ sở giáo dục đại học dự kiến điều động cử người tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra.</p> <p>Bước 2, các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức tập huấn Quy chế thi, hướng dẫn Thanh tra/kiểm tra thi cho cán bộ, giảng viên dự kiến điều động tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra.</p> <p>Bước 3, Thanh tra Bộ tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên tham gia các đoàn thanh tra của Bộ.</p> <p>Sở GD&ĐT tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của địa phương.</p> <p>“Đặc biệt, năm nay, tập huấn nghiệp vụ thanh tra/kiểm tra thi bằng Tài liệu điện tử (Infographic và Video), có các bài test cho nội dung tập huấn, có sổ tay nghiệp vụ thanh tra thi dùng cho thành viên tham gia đoàn thanh tra. Chỉ những cán bộ, công chức, viên chức đạt yêu cầu qua các bài test mới tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra”, ông Cường nói.</p> <p> </p> </div> <p> </p>