hình minh họa
Lâu nay tôi rất dị ứng với những người nói cái gì cũng nhân danh tình yêu thiên nhiên. Ai cũng thích nói yêu thiên nhiên, nhưng nhiều khi cái tình yêu kỳ quái của họ khiến ta phải ngạc nhiên.
Có lần xem một chương trình trên tivi, một ông chắc cũng thuộc hàng đại gia, ông khoe căn nhà được làm toàn bằng gỗ, thật to thật đẹp. Bàn ghế, tủ, sập, trần nhà, tường, cửa … toàn bằng gỗ tự nhiên. Đặc biệt là vô số những cái cột gỗ to bằng cả người ôm.
Và khi được hỏi về lý do làm căn nhà này, ông nói hồn nhiên như không là do tình yêu với thiên nhiên. Yêu thiên nhiên nên thích khung cảnh hoa lá cây cỏ, thích cái mát lạnh của gỗ. Yêu nên phải chiếm về làm của riêng cho mình.
Chết thật, vì tình yêu thiên nhiên của ông mà không biết bao nhiêu cây gỗ, bao nhiêu cánh rừng đã bị hạ, máu của bao nhiêu kiểm lâm đã đổ để bảo vệ rừng… Có phải vì lời nói không bị đánh thuế nên ông muốn nói thế nào thì nói?
Tôi cũng không hiểu, chả lẽ vì yêu thiên nhiên mà người ta chơi chim lồng cá chậu, mà bẻ quặt những thân cây thành hình thù theo ý mình.
Ngay cả cái tục lệ rất nhân văn của người Việt Nam mình là tục phóng sinh cũng được biến tấu một cách đáng sợ. Cứ xem ngày cúng ông Công ông Táo thì biết. Người ta cầm túi ni lông đựng mấy con cá chép đứng từ trên cầu Chương Dương mà vứt cả xuống sông Hồng. Thử hỏi cá nào mà sống được. Đấy mà là yêu thiên nhiên ư?
Tôi cũng tưởng người nông dân sống gần gũi ruộng đồng thì sẽ yêu thiên nhiên. Nhưng hình như không phải. Sau khi cắm cây lúa xuống bùn là họ dùng đủ loại hóa chất để khỏi phải làm. Không cần làm cỏ vì đã có hóa chất diệt cỏ, không phải diệt ốc bươu vàng vì đã có hóa chất, Rồi sâu bệnh, phân bón hóa học… họ đổ đủ thứ hóa chất xuống đất. Thế mà là yêu thiên nhiên ư? Tàn phá thiên nhiên thì có.
Có một thời chúng ta tự hào khi nói con người chinh phục được thiên nhiên: chặn các dòng sông, phá những cánh rừng nguyên sinh, đào núi, lấp sông… để không lâu sau đó phải nhận ra những cái giá phải trả quá lớn.
Không phải tuyên bố gì to tát, yêu là phải hiểu và biết trân trọng những cái vốn có.
Minh Anh