Đến khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark (Đồng Nai), anh T.H.N. (35 tuổi, trú tại phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) cho hay, gần đây, anh thấy người mệt mỏi, chán ăn và đôi lần sốt nhẹ. Anh cứ nghĩ do làm việc nặng nhọc cơ thể thay đổi, tuy nhiên tình trạng này thường tái diễn nên đi khám. Kết quả chẩn đoán anh bị viêm gan B.
ThS.Bs Đào Sỹ Trí - Trưởng Khoa Nội Tổng Quát, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark cho biết, thời gian gần đây có nhiều bệnh nhân đến khám viêm gan B, độ tuổi chủ yếu từ 18-45. Phần lớn là bệnh nhân viêm gan B mạn tính tái khám định kỳ hàng tháng. Ngoài ra, có một số bệnh nhân tình cờ phát hiện qua xét nghiệm máu tổng quát hoặc khám sức khỏe định kì tại công ty. Bên cạnh đó, có những bệnh nhân có biểu hiệu của triệu chứng viêm gan cấp như: vàng da, vàng mắt, sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau bụng đến khám và phát hiện viêm gan B.
Ai cũng có thể mắc viêm gan B, không nên chủ quan. Ảnh minh họa |
Đa phần bệnh nhân có triệu chứng của viêm gan cấp, xơ gan hoặc bất thường về xét nghiệm thường cần nhập viện điều trị. Trong đó, những bệnh nhân có nguy cơ dẫn tới ung thư gan cao là bệnh nhân lớn tuổi, có biểu hiện nặng, biến chứng của xơ gan, hoặc trong gia đình có anh, em, ba, mẹ mắc ung thư gan, ThS.BS Trí cho hay.
Viêm gan B là do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Các con đường lây truyền của viêm gan B là từ mẹ sang con, quan hệ tình dục và qua đường máu (dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy, nhận truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus; tái sử dụng hoặc sử dụng các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách, xăm hình, xỏ khuyên, làm móng hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh).
Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch khi mắc viêm gan B cấp tính đều không triệu chứng rõ ràng. Những đối tượng còn lại, bao gồm trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành thì có khoảng 30 – 50% sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu như: Sốt, mệt mỏi, chán, ăn, ăn mất ngon, buồn nôn và nôn, đau bụng, nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu, đau khớp, vàng da… Khi có những dấu hiệu này, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh.
Các triệu chứng nhiễm trùng cấp tính xuất hiện khoảng 60 – 150 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ vài tuần đến 6 tháng. Các triệu chứng thường nặng hơn ở những người bệnh trên 60 tuổi.
Viêm gan B khi bước vào giai đoạn mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan, suy gan. Người bị suy gan cấp tính có thể phải cần ghép gan để điều trị. Đối với những người bị viêm gan B mạn tính có thể phát triển bệnh thận hoặc viêm mạch máu.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan B, tuy nhiên, những người có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh mà không có phòng ngừa trong và sau quá trình sinh con. Những người tiêm chích ma tuý hoặc dùng chung kim tiêm, ống tiêm và các loại dụng cụ, thiết bị dùng cho ma tuý khác. Người có quan hệ tình dục với bệnh nhân viêm gan B, người có quan hệ đồng giới nam, người làm trong lĩnh vực y tế, nhân viên phòng thí nghiệm. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo, người bị đái tháo đường, người nhiễm viêm gan C hoặc HIV.
Con đường lây của HBV là chủ yếu từ con đường máu hoặc dịch tiết từ người nhiễm viêm gan B nên những người có công việc hoặc có tiếp xúc với máu, dịch tiết của người viêm gan B là dễ lây nhất.
Khi người bệnh bị viêm gan B cấp tính thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và có thể tự khỏi. Do đó, thay vì điều trị bằng các phương pháp y khoa, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng vi rút hoặc nhập viện để ngăn ngừa các biến chứng. Còn đối với người được chẩn đoán viêm gan B mãn tính sẽ cần điều trị suốt đời. Việc điều trị giúp giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm ở gan và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.
Các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm phòng vắc xin Viêm gan B. Ngoài việc tiêm vắc xin, viêm gan B cũng có thể phòng ngừa bằng các biện pháp khác như: Không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể; đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở; đảm bảo địa chỉ xăm hình, xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách; không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay; quan hệ tình dục an toàn.
Mỗi năm, có trên 884.000 người tử vong vì viêm gan B và các bệnh lý liên quan. Theo thống kê từ tổ chức Hepatitis B Foundation, toàn cầu có khoảng 2 tỷ người đã và đang bị nhiễm vi rút viêm gan B, gần 300 triệu người mắc bệnh mãn tính và 30 triệu người bị nhiễm mới mỗi năm. Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao nhất thế giới. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta hiện có khoảng 10 triệu người mắc viêm gan B, trong đó, phần lớn người bệnh mắc viêm gan ở dạng mãn tính. Nguy hiểm hơn, rất nhiều người bị viêm gan không biết mình mắc bệnh, chỉ có khoảng 10% số người mắc viêm gan B được chẩn đoán.