Ai có nguy cơ cao mắc bệnh sởi?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi là người chưa được tiêm ngừa virus sởi, nhất là trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Mức độ nguy hiểm của bệnh sởi

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính, mà còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể. Tổn thương lên các cơ quan có thể kéo dài, thậm chí có những trường hợp kéo dài vĩnh viễn như viêm não, viêm màng não, mù lòa,… Ngoài ra, bệnh sởi còn có một năng lực vô cùng nguy hiểm là “xóa trí nhớ miễn dịch”. Sởi có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể người.

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu tiến hành bởi nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Harvard vào năm 2019, bệnh sởi đã loại bỏ 11-73% kháng thể ở trẻ em. Khi mắc sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh bị phá hủy hầu như không còn, bị tái thiết lập như miễn dịch của một đứa trẻ non nớt, vừa mới sinh. Người bệnh sởi trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây bệnh, dù là các bệnh đã từng mắc trước đây. Khi mắc bệnh, nguy cơ biến chứng và tử vong cực kỳ cao.

Bệnh sởi lây qua đường nào?

Sởi là căn bệnh dễ lây lan, dễ bùng phát thành dịch lớn. Sởi có thể lây qua đường hô hấp, khi tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi, họng của bệnh nhân. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), sởi dễ lây lan đến mức có đến 90% người chưa có miễn dịch với sởi sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. 1 bệnh nhân sởi sẽ lây cho 12-18 người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng.

Ngoài ra, sởi còn có thời kỳ lây truyền bệnh dài. Bệnh có khả năng lây truyền vào thời điểm trước khi phát ban 4 ngày và sau khi phát ban 4 ngày. Sởi có khả năng lây truyền cao, chỉ có thể chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đạt 95% trở lên.

Ai có nguy cơ cao mắc bệnh sởi?

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi là người chưa được tiêm ngừa virus sởi, nhất là trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.

Người thường xuyên đi du lịch, nhất là du lịch đến các quốc gia đang phát triển - nơi mà bệnh sởi xảy ra phổ biến, nếu không chú ý biện pháp phòng ngừa cá nhân thì khả năng bị nhiễm bệnh sẽ rất cao.

Người bị thiếu hụt vitamin A trong chế độ ăn hàng ngày. Nếu không may bị nhiễm sởi rất dễ bị bệnh nặng và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi. Ghi nhận thực tế cho thấy, trẻ nhũ nhi mắc sởi rất nguy hiểm vì sức đề kháng của trẻ còn yếu.

Triệu chứng bệnh sởi qua từng giai đoạn phát triển của bệnh

Bệnh sởi phát triển qua các giai đoạn khác nhau trong quá trình virus lây nhiễm và tấn công cơ thể. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ủ bệnh, không có triệu chứng rõ ràng, kéo dài từ 7 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus sởi.

Sau giai đoạn ủ bệnh, đến giai đoạn khởi phát, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng bệnh sởi như sốt, mệt mỏi, đau đầu và đỏ mắt. Một triệu chứng quan trọng của giai đoạn này là xuất hiện ban đỏ trên da, bắt đầu từ khu vực sau tai và lan rộng xuống cổ, mặt, thân và chi.

Tiếp theo là giai đoạn toàn phát, thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Trong giai đoạn này, ban đỏ trên da lan rộng hơn. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc thở, các triệu chứng khác xuất hiện: ho khan, sổ mũi, mắt đỏ và nhức, đôi khi tiêu chảy và nôn mửa.

Cuối cùng, giai đoạn hồi phục xảy ra khi triệu chứng bệnh sởi giảm dần và ban đỏ trên da bắt đầu phai mờ. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần được chăm sóc và nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe hoàn toàn.

Hiểu rõ về các giai đoạn phát triển của bệnh sởi giúp chúng ta nhận ra sớm triệu chứng bệnh sởi, để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Phòng tránh và chăm sóc khi trẻ mắc bệnh sởi

Sởi là bệnh do virus gây ra và dễ lây lan nên biện pháp phòng chống là rất quan trọng.

Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.

Tăng cường dinh dưỡng đầy đủ gồm 4 nhóm thực phẩm: vitamin, khoáng chất, bột đường, đạm và béo để phòng suy dinh dưỡng khi trẻ mắc bệnh.

Uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức.

Tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh nhiễm trùng cơ hội.

Nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người nếu trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng.

Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.

Tránh các loại thực phẩm cay, nóng, tanh, chiên rán nhiều dầu mỡ.

Vệ sinh sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.

Phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh.

Khi xuất hiện các biến chứng như nhiễm khuẩn, viêm não hay suy hô hấp, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Theo VietnamDaily
back to top