Vị thế đặc biệt của ACV thể hiện ở số lượng 21/22 cảng hàng không của cả nước mà đơn vị này đang quản lý, khai thác (trong đó 9 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa).
Sau khi IPO vào tháng 12/2015, hiệu quả kinh doanh của ACV đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Chỉ số ROA và ROE tăng đều qua các năm nhờ vào sự tăng trưởng lượt khách du lịch, các cảng hàng không hoạt động hiệu quả, công tác quản lý được nâng cao…
Kinh doanh sáng, cổ phiếu tối
Với những gì đang nắm giữ, ACV đã có năm 2018 đạt kết quả kinh doanh tốt, với doanh thu tăng 11% so với kế hoạch năm và tăng 18% so với năm 2017. Tăng trưởng doanh thu của ACV chủ yếu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi cung cấp dịch vụ hàng không - phi hàng không & bán hàng là 16.270 tỷ đồng.
Trong năm 2019, dự kiến thị trường vận tải hàng không đón nhận những tín hiệu tích cực, lượng hành khách tăng mạnh cùng với đà tăng của thị trường vận tải hàng không nhờ sự tham gia của các hãng hàng không mới với nhiều đường bay quốc tế mới sẽ được khai thác.
Theo đó, năm 2019, ACV dự kiến phục vụ 98,4 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 28,1 triệu hành khách quốc tế. Tổng lượng hàng hóa ước khoảng 1.603 tấn và lượt cất cánh hạ cánh khoảng 617.000 lượt.
Doanh thu năm 2019 ACV đặt mục tiêu đạt 19.127 tỷ đồng, tăng 7% so với doanh thu thực hiện được năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.190 tỷ đồng, tăng trưởng 9%. Kế hoạch kinh doanh của ACV đưa ra không bao gồm sản lượng quốc tế của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh, Vân Đồn.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2019, ACV đã ghi nhận 4.439 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp thu về gần 2.300 tỷ đồng, tăng 14% so với quý I/2018.Trong quý I vừa qua, hoạt động tài chính là điểm nhấn trong bức tranh kinh doanh của ACV.
Cụ thể, doanh thu hoạt đông này tăng 31% lên 429 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi gia tăng và có lãi chênh lệch tỷ giá 53 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ tới 930 tỷ đồng. Điều này đã khiến chi phí tài chính của ACV trong kỳ giảm 97%.
Lợi nhuận sau thuế tăng 105% lên 1.997 tỷ đồng so với quý I/2018 và đã hoàn thành được 30% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tăng trưởng về kinh doanh là vậy nhưng diễn biến cổ phiếu ACV trên thị trường chứng khoán lại đang có diễn biến ngược lại khi duy trì vùng giá 81.000 – 82.000 đồng/cp trong khoảng thời gian khá dài, từ nửa cuối năm 2018 đến nay.
Trong giai đoạn vừa qua, cũng có lúc cổ phiếu ACV bật tăng mạnh mẽ lên vùng giá 85.000 – 86.000 đồng/cp, thậm chí lên mức 89.000 đồng/cp, nhưng sau đó nhanh chóng quay về điểm xuất phát. Những đợt tăng giá của cổ phiếu ACV hầu hết đều xuất phát từ phản ứng tích cực với những thông tin có sức ảnh hưởng ngắn hạn như kết quả kinh doanh, triển vọng chuyển sàn….
Thế khó của ACV
Theo báo cáo phân tích cổ phiếu ACV của một CTCK, trong năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng hạn chế chủ yếu do ACV sẽ bảo trì đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất và 1 đường băng tại sân bay Nội Bài trong 4 tháng.
Quá trình đàm phán về các tài sản khu bay sẽ nhanh chóng hoàn tất, nhiều khả năng là vào quý II/2019 và ACV sẽ sớm niêm yết trên HoSE hứa hẹn trở thành “bom tấn” của thị trường chứng khoán xét cả về vốn hóa lẫn các chỉ tiêu kinh doanh/ngành và thị trường.
Việc đổ bộ lên sàn mới được cho là một "thước đo" đánh giá lại sức hấp dẫn thực sự của các mã hàng hóa này trong mắt giới đầu tư “kiên nhẫn”. Từng có ý kiến đánh giá, với vị thế của doanh nghiệp như hiện tại, khó có thể so sánh tương đương cổ phiếu ACV với các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HoSE, HNX hay sàn đăng ký giao dịch UPCoM. Việc sử dụng các cổ phiếu nội địa làm mẫu so sánh ngang để định giá ACV là không hợp lý và toàn diện.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy, cổ phiếu ACV đang khá kém hấp dẫn. Chẳng hạn, khối lượng khớp lệnh trung bình của cổ phiếu này chỉ trên 100.000 đơn vị mỗi phiên là thanh khoản quá “hẻo” đối với cổ phiếu của một “ông lớn” với mảng kinh doanh độc quyền.
Có thể lý giải nguyên nhân ACV thanh khoản kém là do giao dịch trên sàn UPCoM, tuy nhiên, nếu để so về thanh khoản thì một cổ phiếu ngành hàng không khác là HVN (Vietnam Airlines) lại có khối lượng giao dịch trung bình gấp 6,7 lần ACV (tại thời điểm giao dịch trên UPCoM).
Cũng là một cổ phiếu giao dịch trên UPCoM nhưng BSR của CTCPLọc hóa dầu Bình Sơn với quy mô nhỏ hơn nhưng lại thu hút được hàng triệu lượt giao dịch mỗi phiên đặc biệt là nhận được rất nhiều sự quan tâm của khối ngoại.
Do đó, sự kém hấp dẫn của ACV nằm ở nguyên nhân cơ cấu cổ đông quá cô đặc, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước chiếm tới 95,4% tương đương khoảng 2,08 tỷ cổ phiếu ACV. Do đó, số lượng cổ phiếu tự do của ACV chỉ còn khoảng hơn 100 triệu cổ phiếu, đây là một yếu tố đáng lưu tâm của các nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã được IPO cổ phần hóa, nhưng ACV vẫn là một trong những doanh nghiệp Nhà nước, khi công ty đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần, hoạt động theo mô hình mẹ-con, nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ lượng cổ phần chi phối.
Theo lộ trình thoái vốn đã đặt ra, đến năm 2020 ACV sẽ phải đưa tỷ lệ sở hữu Nhà nước về mức 65%. Thách thức đặt ra lúc này là phải làm sao để sau khi thoái vốn, chuyển sàn thì thị trường có thể hấp thụ cổ phiếu hiệu quả nhất.
Nhìn chung, triển vọng lợi nhuận của ACV được đảm bảo nhờ nhờ lượng hành khách và hàng hóa cộng với phí dịch vụ sân bay tăng. Trong dài hạn hơn, mở rộng công suất cũng sẽ động lực cho tăng trưởng.
Thế nhưng, triển vọng này cũng hàm chứa rủi ro dài hạn cho các nhà đầu tư của ACV trước tác động pha loãng, khi công ty phải đối mặt với nhu cầu vốn lớn, thời gian trả nợ dài cho các dự án phát triển mở rộng.