Ông Hậu (thứ hai bên trái) cùng đồng đội cũ.
Hành quân vẫn không quên đèn sách
Ông sinh năm 1949. Tháng 9/1970, học hết năm thứ III đại học Kinh tế quốc dân, ông gia nhập quân đội. Sau một thời gian huấn luyện ở miền Bắc, tháng 6/1972 ông cùng đơn vị D14 pháo mặt đất trực thuộc F325 hành quân vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972.
Trong ba lô, ngoài quần áo tư trang còn có cuốn “Tư bản” và cuốn “Lịch sử Việt Nam”. Mỗi khi về hậu cứ, anh em đồng đội lại thấy ông cặm cụi trên những trang sách dưới ánh sáng yếu ớt của mặt trời rọi vào qua lỗ thông hơi của căn hầm chống bom, pháo.
Cuối năm 1973, vì lý do sức khỏe nên ông được chuyển ngành về trường học tiếp năm cuối đại học. Tốt nghiệp, ông được phân công giảng dạy môn kinh tế chính trị tại trường Đảng tỉnh Quảng Ninh, được đi nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ ở Liên Xô (cũ) và chuyển về giảng dạy tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2011, ông được Nhà nước phong học hàm PGS và nghỉ hưu tháng 8/2016.
Thời gian công tác, ông luôn vượt giờ giảng bởi nhiều cơ sở trường Đảng ở các tỉnh thường mời đích danh do ông có nhiều tư liệu sống động từ thực tiễn, làm rõ thêm những luận điểm tư tưởng về đường lối phát triển kinh tế của Đảng, giúp cho địa phương có thể nghiên cứu vận dụng để từng bước phát triển.
Làm việc để không tụt hậu
Khi được tin ông nghỉ hưu, một số địa phương muốn đề nghị với Học viện mời ông làm cộng tác viên, để địa phương có thể vẫn có cơ hội được ông đến trao đổi các chuyên đề thuộc các lĩnh vực quan trọng.
Ông chia sẻ: “Mình được Đảng và Nhà nước đào tạo đến nơi đến chốn. Nay vẫn còn đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến thì chưa nên nghĩ đến nghỉ ngơi hưởng thụ. Tất nhiên cũng rất cần có thời gian thăm thú họ hàng người thân, thăm lại chiến trường xưa, bạn bè đồng đội thuở hàn vi…”
“Còn làm việc tức là còn lao động và điều đó sẽ giúp cho bộ óc luôn được tư duy sáng tạo phù hợp với thực tế, không bị lạc hậu trước thời cuộc. Hơn nữa, còn tư duy có nghĩa là vẫn còn đang tồn tại còn có cơ hội cống hiến. Chưa đến tuổi 70 mà đã nghĩ đến nghỉ ngơi hưởng thụ thì có lẽ vẫn còn hơi sớm!”,ông cho hay.
Vân Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội)