Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM), Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, đặc biệt, số bệnh nhân đến kịp giờ vàng để điều trị gần như bằng 0.
Số bệnh nhân được cấp cứu để điều trị tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cũng chỉ 1-2 người/ tháng.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ, Covid-19 gây hậu quả trực tiếp nặng nề như chúng ta đã thấy, nhưng hậu quả gián tiếp nghiêm trọng đến bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính và cấp tính khác có lẽ chưa thể thống kê hết được. Bệnh nhân không đến bệnh viện kịp thời vì nhiều lý do cũng như tâm lý lo ngại mắc Covid-19 tại bệnh viện.
Tàn phế và di chứng sau đột quỵ mới là điều đáng lo sợ nhất. Do đó, quan trọng nhất là phòng ngừa đột quỵ.
Bao gồm kiểm soát chặt chẽ và lâu dài các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, hút thuốc lá, béo phì... Trên 90% bệnh nhân đột quỵ đều có nguyên nhân.
Không nên cho bệnh nhân uống thuốc hạ áp, chờ huyết áp trở về bình thường rồi đưa bệnh nhân đi viện. Hạ áp đột ngột có thể làm tế bào não chết nhanh hơn.
PGS.TS.BS Huy Thắng cảnh báo thêm, các phương pháp như cạo gió, vắt chanh, châm kim vào đầu ngón tay, ngón chân… vừa không chứng minh hiệu quả vừa làm mất thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ.
3 triệu chứng cảnh báo đột quỵ và cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 60 phút từ khi triệu chứng khởi phát gồm yếu, liệt nửa người cùng bên; đột ngột méo miệng; nói không rõ.