Năm 2003, tôi tốt nghiệp ngành báo chí và nơi đầu tiên tôi quyết định nộp hồ sơ dự tuyển chính là báo KH&ĐS. Khi đó, tòa báo có văn phòng đại diện phía Nam nằm ở số 171 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM, đối diện là khu khách sạn Continental Sài Gòn và xeo xéo khoảng 30 độ về phía Đông là Nhà hát TPHCM nguy nga, cổ kính. Ngày đó, tôi thích con đường này vì nó rất sầm uất, nằm giữa trung tâm thành phố. Nhưng điều khiến tôi tìm đến đầu quân cho KH&ĐS là vì tôi yêu thích, tin tưởng vào giá trị của những bài viết của báo mà tôi đã theo dõi suốt trong nhiều năm trời, khi còn là sinh viên.
Tôi nhớ rất rõ thời điểm đó, khi may mắn được cô Việt Nga, trưởng văn phòng đại diện phía Nam và anh Vũ Mai Nam, trưởng Ban Biên tập chấp nhận cho được tập sự tại tờ báo, các cô chú và anh chị đã hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiều. Ở đây, tôi đã được học cách làm báo cẩn thận, nghiêm túc và trách nhiệm.
Tôi nhớ thời đó, các bài viết trước khi được duyệt đều được biên tập rất kỹ. Có những trang viết của phóng viên, cộng tác viên gửi về được đọc kỹ, biên tập chi chit trên bản thảo để rồi sau khi được họa sĩ dàn trang, thêm một lần nữa Ban Biên Tập đọc lại lần 1, lần 2 và lần 3. Mỗi trang báo khi đến tay độc giả là qua rất nhiều khâu biên tập, xem xét và cân nhắc. Chính vì thế nên mỗi số báo phát hành, cầm trên tay, tôi cảm thấy thật trân quý.
Thời đó tôi có thói quen là hay xin các anh chị đồng nghiệp thêm báo mỗi khi báo phát hành dù có hay không có bài mình trên đó, tôi đều cẩn thận xin đóng dấu kính biếu để gửi về cho cha mẹ, người thân với bạn bè. Số nào có bài của mình, tôi lại tìm ra các sạp báo để mua thêm giữ làm kỷ niệm hoặc đem khoe và tặng cho các bạn.
còn nhớ năm 2006 nhân Festival Biển Vũng Tàu, tôi lúc đó còn rất trẻ nhưng được Tòa soạn tin tưởng cử ra Côn Đảo làm chuyên đề, chụp ảnh và viết. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được biết đến thiên đường du lịch ở Biển Đông. Khỏi phải nói tôi đã hào hứng và hăm hở đến thế nào và đã tiêu tốn gần 10 cuốn phim tráng rọi cho đợt đi công tác. Năm đó, bức ảnh tôi chụp về Côn Đảo được Ban Biên tập chọn đăng làm ảnh bìa cho số chuyên san và nhiều bài viết, ghi chép của tôi được đăng. Loạt ảnh do tôi chụp cũng được địa phương chọn làm bộ postcard du lịch và tờ rơi quảng bá du lịch cho Côn Đảo.
Xung quanh về bộ ảnh nhân dịp đi công tác này, tôi có một kỷ niệm rất thú vị. Số là gia đình tôi quê gốc ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Có lần, vài cán bộ ở xã tôi cầm bộ postcard du lịch Côn Đảo thấy tên tôi đã hỏi ngay em gái rằng “Ảnh đó có phải là anh trai bạn chụp không” thì em gái của tôi đã trả lời “Ổng ở Sài Gòn suốt, rảnh đâu mà đi ra đó”. Khi em gái về kể câu chuyện cho má, thì má tôi đã điện thoại lên hỏi, tôi thực thà thú nhận: “Dạ bộ ảnh do con chụp nhân dịp con đi công tác cho Báo KH&ĐS đó má”. Qua điện thoại, tôi nghe rõ tiếng má tôi cười và bà hỏi: “Vậy là con đã được ra Côn Đảo rồi hả, ngoài đó đẹp không con?”.
Cũng từ chuyến đi đó, tôi lại có một tình bạn rất đẹp. Lúc đó, bạn tôi là du học sinh từ Mỹ về, chụp ảnh rất đẹp và bạn ấy ra Côn Đảo du lịch, chụp ảnh. Trong chuyến đi, bạn tình cờ thấy tôi xông xáo chụp ảnh và hí hoáy ghi chép kỹ, thấy lạ, bạn âm thầm chụp ảnh tôi lại, hỏi han nhau, về Sài Gòn thì chúng tôi làm thân, cùng giao lưu với nhau thông qua một diễn đàn chuyên về nhiếp ảnh.
received_440660126525744.jpg |
Hôm nay, ngồi viết lại những dòng tâm sự, kỷ niệm với KH&ĐS nhân dịp kỷ niệm 60 năm, lòng tôi lại rưng rưng. Tôi nhớ rõ từng kỷ niệm, từng những chuyến đi cùng tòa soạn Mọi thứ hiện ra thật rõ ràng và đầy ắp trong tâm trí tôi. Và, lòng tôi bất chợt chùng lại, mắt cay cay khi nhớ đến anh, người anh, người sếp đã nâng đỡ và chỉ dạy tôi rất nhiều trong cuộc đời làm báo của mình. Đó chính là anh Vũ Mai Nam, sau khi cô Chu Thị Việt Nga nghỉ hưu, anh trở thành Trưởng văn phòng đại diện phía Nam. Ở anh, tôi học được sự tận tụy với công việc, sự nghiêm túc và trách nhiệm với từng con chữ, bài viết. Và hơn hết, tôi học ở anh lòng thương, sự bao dung và tử tế. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh của anh – một người trưởng văn phòng đại diện luôn sẵn sàng mở rộng cửa cơ quan giúp đỡ những người bán hàng rong, bán báo và tạp chí trước cửa cơ quan. Khi có mưa hoặc có “biến” (thời đó, việc buôn bán hàng rong bị cấm, tuy nhiên, dọc trên con đường Đồng Khởi có những người nghèo mưu sinh bán báo và bán sách cho khách tây khách ta, lâu lâu bị quản lý đô thị đi ngang nhắc nhở hoặc do quá lo sợ, họ tháo chạy hoặc tìm cách gửi báo để tránh bị tịch thu). Anh cũng là một người sếp, nhà quản lý rất thương nhân viên. Bằng chứng là có lần tôi ra Ninh Thuận tác nghiệp trong Lễ hội Ka Tê của người Chăm chẳng may bị móc túi mất điện thoại. Về Sài Gòn tôi kể lại, anh thấu hiểu và biết tôi hoàn cảnh khó khăn nên đã về nhà lấy điện thoại của vợ cho tôi. Sau này, khi tôi đang trên hành trình xây dựng sự nghiệp của riêng mình với công việc làm báo online và marketing cho một công ty chuyên về truyền thông thì tôi hay tin anh bị ung thư và qua đời vì bệnh tật. Thật may, tôi đã kịp về đưa tiễn anh và đã gặp rất đông các cô chú, anh chị đồng nghiệp cũ ở đó. Sau đó, không biết có phải vì quá tưởng nhớ không mà tôi đã mơ thấy anh về, anh bảo thích ăn cua và hải sản, tôi đã âm thầm đi mua về làm mâm nhỏ cúng cho anh nơi căn nhà tôi trọ.
60 năm KH&ĐS, thật khó để nói và kể hết những kỷ niệm cũng như ân tình với các cô chú, anh chị và với tòa báo. Điều tôi cảm thấy tự hào và vui nhất ngay lúc này có lẽ là sự bền bỉ, trường tồn và sự nghiêm túc, tử tế của tờ báo luôn được duy trì, để mỗi số báo phát hành, mỗi bài viết khi được in và xuất bản luôn tạo được sự tin tưởng tuyệt đối từ các bạn đọc.
60 năm với KH&ĐS là một chặng đường, một mốc son đáng tự hào trong hành trình dài phụng sự bạn đọc.