Ngày 25/6, UBND tỉnh Tây Ninh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với thị xã Trảng Bàng trong hai tuần, sau khi phát hiện 5 ca Covid-19 trong khu công nghiệp qua xét nghiệm ngẫu nhiên. Đợt bùng phát dịch lần này, địa phương ghi nhận 8 người mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Tây Ninh được xem là cầu nối giữa TP HCM và Campuchia. Trong đó, thị xã Trảng Bàng tập trung nhiều công ty nên địa phương đánh giá việc giãn cách là phù hợp, nhằm truy vết nguồn lây, tránh bùng phát dịch. Chỉ thị yêu cầu dừng các sự kiện tập trung trên 20 người; không tụ tập 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; dừng các dịch vụ không cần thiết, chỉ các dịch vụ hàng hóa, thiết yếu được mở cửa... "Hàng hóa, kinh tế vẫn hoạt động bình thường, song người dân được khuyến cáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch được UBND tỉnh đưa ra", ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nói.
Cùng ngày, UBND Phú Yên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với thị xã Đông Hòa, diện tích hơn 265 km2, gần 120.000 dân của 10 xã phường. Nơi đây chính quyền địa phương vừa ghi nhận hai ca nhiễm liên quan đến nữ bệnh nhân 53 tuổi, chủ quán cơm ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa. Bà này trước đó tiếp xúc với một trong hai tài xế (phát hiện dương tính ngày 15/6) vào quán ăn cơm trưa 1/5 và tối 11/6.
Chính quyền phong tỏa 6 điểm gồm hai ga đường sắt Phú Hiệp và Hảo Sơn, UBND xã Hòa Xuân Nam, cùng 3 nhà dân. Cơ quan y tế địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng F1, F2.
Liên quan đến nữ bệnh nhân này, trước đó một ngày, TP Tuy Hòa phát hiện 6 người dương tính, đã ban bố quyết định giãn cách thành phố 200.000 dân theo Chỉ thị 15 trong 15 ngày.
Cách hơn 300 km về phía Nam, Bình Thuận phát hiện 5 ca dương tính nCoV, ngày 24/6. Đó là nữ bác sĩ 38 tuổi mới nhận việc tại Khoa sản - Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Bệnh nhân cùng bốn người thân đã được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19 và hơn 300 người được xác định tiếp xúc gần.
Cùng với việc phong tỏa 3 địa điểm gồm Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, nhà thuốc Trường Giang và chung cư Văn Thánh (ở TP Phan Thiết), địa phương giãn cách thành phố Phan Thiết và huyện Tuy Phong (nơi người thân của nữ bác sĩ ở), với hơn 370.000 người, theo Chỉ thị 15 trong 14 ngày.
TP HCM với trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên, 1,6 triệu công nhân và lao đông đã trải qua 25 ngày giãn cách xã hội. TP HCM đã ghi nhận 2.397 ca Covid 19 trong đợt dịch thứ 4. Riêng ngày 25/6, ghi nhận 667 ca nhiễm trong 24 giờ. Đến chiều qua, TP HCM có tổng cộng 498 điểm phong tỏa, trong đó TP Thủ Đức 92 điểm, Hóc Môn 57 điểm.
Dịch bệnh bùng phát mạnh sau khi Phát hiện ổ dịch liên quan đến nhóm truyền giáo ở quận Gò Vấp và nhiều chuỗi lây. Đến cuối tháng 5, UBND TP HCM quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc theo Chỉ thị 16.
Trong quãng thời gian đó, dịch xâm nhập nhiều nhà máy đông công nhân như Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (56.000 lao động), Công ty Việt Nam Samho (10.000 công nhân)... với nhiều ca nhiễm, hàng nghìn công nhân cách ly tập trung.
TP HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm hai tuần. "Dịch đã len lỏi trong cộng đồng thời gian dài và qua 4-5 chu kỳ rồi nên cần thêm thời gian để tầm soát, truy vết", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM nói trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM, ngày 14/6.
Hiện, chính quyền nâng cao cấp độ chống dịch, dừng các hoạt động vận tải hành khách gồm taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe buýt, xe khách liên tỉnh; cấm tuyệt đối chợ tự phát; không tập trung hơn 3 người nơi công cộng...
Thành phố đang thực hiện chiến dịch một tuần tiêm chủng 836.000 liều vaccine cho các người ưu tiên theo Nghị quyết 21, với 1.000 điểm tiêm. Tổng cộng đến nay, TP HCM nhận được 944.000 liều và dự kiến 6% dân số được tiêm vaccine.
Nhằm đạt mục tiêu "tiêm phòng cho 70% dân số, miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất", UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho các doanh nghiệp trên địa bàn được chủ động đàm phán, tìm nguồn nhập khẩu vaccine. Đề nghị này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý.
Giáp ranh thành phố lớn nhất nước, tại Bình Dương, 5 ngày qua, người dân bốn phường Hiệp An, Chánh Mỹ, Phú Hòa và Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một), thị xã Tân Uyên và TP Thuận An phải sống trong cảnh "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã...", theo Chỉ thị 16.
Bình Dương đã ghi nhận 221 ca nhiễm. Trong đó ổ dịch ở phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) đứng đầu về số ca Covid-19. Từ đây đã lây ra chuỗi lây nhiễm tại các công ty, rồi lan sang các khu nhà trọ công nhân và ngược lại. Tỉnh có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động, tốp đầu cả nước. Hơn một nửa ca nhiễm trong đợt dịch này là công nhân; hàng trăm doanh nghiệp, nhà máy... bị ảnh hưởng.
Tiền Giang trải qua 13 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh ngay sau khi phát hiện ba ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên. Riêng thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè giãn cách theo Chỉ thị 16. Địa phương diện tích rộng 2.510 km2, dân số khoảng 1,7 triệu người, đợt dịch này đã có 67 ca nhiễm, tại các địa phương gồm huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Chợ Gạo và TP Mỹ Tho. Trong đó huyện Cái Bè ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất.
Sau khi xã Mỹ Hạnh Đông bị phong tỏa vì 21 ca mắc Covid-19, ngày 19/6, Công an thị xã Cai Lậy khởi tố vụ án Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người liên quan đến một phụ nữ 38 tuổi từ vùng dịch TP HCM về không khai báo y tế và chấp hành cách ly.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 11.218, ghi nhận ở 47 tỉnh thành.