Kali được biết tới là loại khoáng chất cần thiết để tăng cường sức mạnh cơ bắp, đồng thời hỗ trợ chức năng các dây thần kinh, sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ và ung thư. Mỗi ngày, cơ thể của chúng ta cần nhận được đủ 4.700mg kali để duy trì sức khỏe.
Bạn có thể bổ sung kali từ một số loại thực phẩm như khoai lang, chuối, dưa hấu, bí đỏ, củ cải... Tuy nhiên, nếu cơ thể không được cung cấp đủ kali thì có thể khiến bạn gặp phải một số dấu hiệu dưới đây.
Đi tiểu thường xuyên
Nếu thiếu kali trong cơ thể, thận sẽ không duy trì được cân bằng nước và điện giải, từ đó khiến bạn mất nước nhanh hơn. Điều này góp phần gây ra tình trạng tiểu tiện thường xuyên, thậm chí còn làm bạn nhanh khát nước.
Nhịp tim thay đổi bất thường
Khi cơ thể bạn không có đủ kali, những cơn co thắt tim cũng sẽ xuất hiện và khiến nhịp tim của bạn thay đổi bất thường. Do chức năng cơ tim được điều khiển bởi một hệ thống dẫn truyền đặc biệt nên nếu không có kali thì chúng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của mình được.
Rối loạn tiêu hóa
Tình trạng táo bón và đầy hơi cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang không có đủ kali. Bởi nếu thiếu kali thì nó sẽ làm suy giảm chức năng của đường ruột, từ đó dẫn đến những cơn đau dạ dày do rối loạn tiêu hóa.
Rụng tóc thường xuyên
Tình trạng thiếu kali cũng góp phần gây dư thừa lượng natri quanh nang tóc, từ đó làm cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho những hoạt động phát triển của tóc. Tuy nhiên, nếu bạn bổ sung đủ kali thì nó có thể giúp bạn khắc phục vấn đề rụng tóc, thậm chí còn thúc đẩy tóc phát triển nhanh hơn.
Chóng mặt, ngất xỉu
Hiện tượng mất cân bằng nước và điện giải do thiếu kali cũng làm cho lượng nước tiểu bài tiết nhiều hơn, từ đó làm giảm huyết áp với các triệu chứng như ngất xỉu, hay chóng mặt...
Co nhức cơ
Hàm lượng kali giảm xuống cũng khiến chức năng cơ bị ảnh hưởng, từ đó dẫn tới tình trạng cơ bắp yếu, co thắt hoặc co giật đột ngột. Nếu không kiểm soát vấn đề này bằng cách bổ sung đủ kali thì nó có thể gây tổn hại cơ, cứng cơ và đau nhức cơ về lâu dài.