<div> <p class="Normal">"Tôi luôn mặc cảm, cảm thấy thiếu gì đó nên chưa phải là phụ nữ đích thực", người phụ nữ 56 tuổi chia sẻ ngày 26/1, tại Bệnh viện E.</p> <p class="Normal">Hồi giữa tháng 1, chị đến Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E. Kết quả chẩn đoán hình ảnh phát hiện chị mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser, là dị tật không có âm đạo bẩm sinh. Chị không có tử cung nhưng vẫn có buồng trứng. Đây là nguyên nhân đến nay chị không có kinh nguyệt, quan hệ tình dục khó khăn và không có con.</p> <p class="Normal">Bác sĩ quyết định phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân, bằng cách lấy niêm mạc môi bé. Phương pháp này giúp bệnh nhân có được âm đạo và làm đẹp vùng tầng sinh môn. Ca phẫu thuật diễn ra ngày 26/1, bác sĩ tạo khoang âm đạo mới nằm giữa trực tràng và bàng quang, sử dụng dụng cụ nong âm đạo.</p> <p class="Normal">Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, đây là ca phẫu thuật khó. Quá trình bóc tách khoang âm đạo mới vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ để không làm rách trực tràng, bàng quang, tổn thương các mạch máu. Mảnh ghép niêm mạc môi bé cần được lấy, xử lý đúng kỹ thuật và phải cố định tạo hình tốt để đảm bảo phần ghép vào không bị hoại tử, chức năng sinh lý tốt.</p> <p class="Normal">Một ngày sau mổ, sức khỏe người bệnh ổn định, tỉnh táo và nói chuyện bình thường.</p> <figure class="tplCaption" data-size="true" itemprop="associatedMedia image" itemscope="" itemtype="http://schema.org/ImageObject"> </figure> </div> <meta content="https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2021/01/26/anh-1-ok-1611658461-1611658489-2513-1611658689.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=2&fit=crop&s=3o2ZdxUbgYwSSJ-R3rRJzA" itemprop="url" /> <meta content="1200" itemprop="width" /> <meta content="800" itemprop="height" /> <meta content="" itemprop="href" /> <div class="fig-picture"><picture><source data-srcset="https://khds.1cdn.vn/2021/01/27/i1-suckhoe-vnecdn-net_anh-1-ok-1611658461-1611658489-2513-1611658689.jpg 1x, https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2021/01/26/anh-1-ok-1611658461-1611658489-2513-1611658689.jpg?w=1020&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4NYsiSu0FnWkgYuPcNXSXw 1.5x, https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2021/01/26/anh-1-ok-1611658461-1611658489-2513-1611658689.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=2&fit=crop&s=pkslkBLeeO8oZ4EbYOV-jg 2x" /><img alt="[Bác sĩ phẫu thuật tạo hình âm đạo cho người phụ nữ ngày 26/1. Ảnh: Bệnh viện cung cấp." src="https://khds.1cdn.vn/2021/01/27/i1-suckhoe-vnecdn-net_anh-1-ok-1611658461-1611658489-2513-1611658689.jpg" /></picture></div> <figcaption itemprop="description"> <p class="Image">Bác sĩ phẫu thuật tạo hình âm đạo cho người phụ nữ ngày 26/1. Ảnh: <em>Bệnh viện cung cấp.</em></p> </figcaption> <p class="Normal">Hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser ít gặp, tỷ lệ một ca trên 4.000-10.000, nghĩa là ít nhất cứ 4.000 trẻ em sinh ra thì một bé không có âm đạo. Bệnh nhân không phát triển âm đạo, tử cung, song vẫn có hai buồng trứng, các hormone và bộ phận khác phát triển bình thường. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh này.</p> <p class="Normal">Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, hormone estrogen từ mẹ truyền qua con khiến cổ tử cung em bé tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo, có thể gây khối u vùng âm hộ hoặc triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nhiễm trùng tiểu như sốt, nước tiểu đục... Ở tuổi dậy thì, phụ nữ biểu hiện đau bụng theo chu kỳ kinh nguyệt tháng nhưng không thấy kinh.</p> <p class="Normal">Bác sĩ Nguyễn Đình Minh khuyến cáo phụ nữ nên đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được... Các dị tật vùng kín có thể phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT, chụp X-quang và MRI. Người bệnh sẽ được phẫu thuật tạo hình âm đạo khi đủ 18 tuổi.</p> <p class="Normal">"Tạo hình thành công âm đạo sẽ cải thiện chất lượng sống của những người phụ nữ kém may mắn, giúp họ tự tin trong đời sống tình dục", bác sĩ Minh nói.</p> <p class="Normal"> </p> <p> </p>