5 thực phẩm giàu kali tăng cường sức khỏe tim mạch

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thay vì sử dụng thực phẩm chức năng, bổ sung kali qua thực phẩm giàu kali là phương án được ưu tiên. Do đó, tìm hiểu để bổ sung những thực phẩm này vào thực đơn ăn uống hàng ngày là điều cần thiết.

Đậu đen và đậu trắng

Đậu đen vừa giàu protein, chất xơ vừa là thực phẩm giàu kali.165g đậu đen chứa 739mg kali (tương đương 16% tổng lượng kali cơ thể cần/ngày).

Bên cạnh đậu đen thì đậu trắng cũng có nhiều kali. 262g đậu trắng chứa 1.189mg kali cùng với 13g chất xơ và 20g protein có lợi cho cơ thể.

Khoai lang và khoai tây

Trong mỗi củ khoai lang nướng chứa khoảng 542 mg kali (đáp ứng 12% tổng lượng kali cơ thể cần/ngày). Ngoài ra đây còn là loại củ giàu vitamin A và dễ ăn nên rất đáng để thêm vào thực đơn hàng ngày.

Bên cạnh đó, mỗi củ khoai tây nướng kích thước trung bình chứa khoảng 941 mg kali (đáp ứng 20% tổng lượng kali cơ thể cần/ngày). Ăn khoai tây để nguội còn là cách cung cấp tinh bột tốt cho những người bị bệnh gout.

Cà chua

Cà chua và các sản phẩm từ cà chua, như sốt cà chua chứa nhiều kali. Một cốc cà chua cắt nhỏ cung cấp hơn 400mg kali, trong khi một cốc nước ép cà chua hoặc cà chua xay nhuyễn cung cấp hơn 500mg. Một chén nước sốt cà chua cô đặc có ít nhất 728mg kali.

Cà chua có nhiều khoáng chất khác như mangan và vitamin, bao gồm vitamin A, C, E và B6. Cà chua cũng chứa các hợp chất thực vật có lợi như lycopene, có thể giúp chống viêm và giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Các loại hải sản

Các loại cá phổ biến như cá hồi, cá thu, cá bơn, cá ngừ và cá hồng đều có hơn 400mg kali trong một miếng filê nặng khoảng 85g. Chỉ cần 85g nghêu đóng hộp sẽ giúp bạn có tới 500mg kali trong bữa ăn hàng ngày.

Cam quýt

Các loại trái cây có múi như cam quýt rất nổi tiếng về hàm lượng vitamin C cao, nhưng chúng cũng là nguồn cung cấp kali dồi dào. Một cốc nước cam cung cấp 496 mg kali. Cam cũng rất giàu folate, thiamine, vitamin A và chất chống oxy hóa.

Lưu ý khi bổ sung kali bằng thực phẩm

Tổ chức Thận Mỹ cho biết, chế độ ăn giới hạn kali cho phép mỗi ngày cần hàm lượng khoảng 2.000 mg. Khi bạn ăn thực phẩm giàu kali hay ít kali thì vẫn chỉ nên giới hạn mỗi lần ăn khoảng 100g. Vượt quá hàm lượng này có thể gây dư thừa kali dẫn đến một số hệ lụy không tốt cho sức khỏe.

Việc lựa chọn thực phẩm giàu kali để bổ sung vào chế độ ăn là cần thiết với mọi người, đặc biệt các trường hợp sau càng cần bổ sung thường xuyên:

- Người đang dùng thuốc lợi tiểu thiazid điều trị bệnh cao huyết áp: loại thuốc này làm cho lượng kali trong cơ thể bị giảm xuống.

- Người đang dùng thuốc hạ huyết áp: các loại thuốc ức chế ACE, ức chế beta để điều trị bệnh lý này làm tăng lượng kali trong cơ thể nên nếu chức năng thận suy giảm thì sẽ cần hạn chế lượng kali nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Chuyên gia khuyến cáo: Những người đang bị thiếu kali tốt nhất nên tham khảo bác sĩ về các loại thuốc có ảnh hưởng đến lượng kali của cơ thể và chế độ ăn uống phù hợp để có được lời khuyên tốt nhất.

Theo Đời sống
back to top