Ngăn chặn đột quỵ não đến sớm
Mùa rét, trời lạnh là thời điểm của bệnh đột quỵ. Theo ThS.BS Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu đơn vị đột quỵ, Bệnh viện E T.Ư, đối với nhóm người trẻ tuổi, khả năng bị đột quỵ là do có bệnh lý dị dạng động tĩnh mạch não bẩm sinh, phồng động mạch não bẩm sinh; tắc mạch não do biến chứng hẹp van hai lá gây rung nhĩ, tạo thành máu quẩn ở tim thổi lên não hoặc các bệnh về máu như xuất huyết giảm tiểu cầu, sốt xuất huyết.
Vì vậy, cần phải khám sức khỏe định kỳ xem có các bệnh về máu không, kiểm tra tim mạch xem có bị bệnh lý van tim không. Đặc biệt, khi đau đầu, co giật động kinh, chậm nhận thức nên kiểm tra mạch máu não bằng chụp cộng hưởng từ mạch máu não, hoặc chụp cắt lớp vi tính hay chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để xác định xem có bị phình, dị dạng hoặc chít hẹp không... để có phương án theo dõi xử lý kịp thời, tránh để tử vong vì đột quỵ mà không biết bệnh.
Những người có nguy cơ bị đột quỵ khi trời lạnh
- Có những cơn đau đầu, đau thắt ngực không rõ nguyên nhân.
- Hay hồi hộp, tim đánh trống ngực hoặc cảm giác hụt nhịp tim.
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, khó thở, thở khò khè, đau mỏi cơ bắp, bị chuột rút.
- Mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường.
- Béo phì, thừa cân, ít vận động.
- Hút thuốc lá thường xuyên hoặc uống rượu, bia nhiều.
- Có người thân trong gia đình bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipit máu.
- Bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipit máu.
- Nữ trên 45 tuổi, nam trên 40 tuổi.
- Với những người từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ trời lạnh sẽ làm tăng nguy cơ nặng/tái phát.
Đối với người trên 55 tuổi cần khảo sát kỹ hệ động mạch cảnh, hệ động mạch não bằng siêu âm và cộng hưởng từ mạch, CT đa lớp cắt dựng mạch hoặc chụp mạch máu máu não DSA.
Chỉ có 12 - 15% người bệnh có triệu chứng thiếu máu não thoáng qua, được coi là dấu hiệu cảnh báo bị đột quỵ, còn đa phần không có biểu hiện gì trước khi đột quỵ xảy ra. Vì vậy, để ngăn chặn đột quỵ, theo TS.BS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh, Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 103, việc phát hiện và điều trị dự phòng trước khi đột quỵ xảy ra là cực kỳ cần thiết và quan trọng, giúp người bệnh có thể tránh được đột quỵ.
Đối với bệnh nhân có rung nhĩ, hình thành cục máu quẩn ở tim là nguyên nhân đột quỵ thể tắc mạch do cục tắc ở tim thổi lên não. Việc điều trị bao gồm thuốc chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu để làm tan cục máu quẩn và điều trị chống loạn nhịp tim.
Khi bị hẹp lòng mạch, nếu động mạch não bị hẹp dưới 75% mà chưa có triệu chứng lâm sàng thì uống thuốc chống kết tập tiểu cầu, hạ lipid máu, hạ huyết áp, kiểm soát đường máu có thể ngăn chặn sự phát triển mảng vữa xơ, làm lòng mạch được thông suốt hơn, ngăn chặn hình thành cục máu đông từ đó ngăn chặn được đột quỵ thiếu máu não.
Khi hẹp trên 75% chưa có triệu chứng lâm sàng, hoặc trên 50% mà có triệu chứng thiếu máu não thì tiến hành đặt stent lòng mạch, người ta đặt các vòng lò xo kim loại có tác dụng mở rộng lòng mạch, tránh hẹp tắc.
Nếu phát hiện có phình mạch hoặc các ổ dị dạng động tĩnh mạch thì tiến hành nút coils túi phình hoặc nút ổ dị dạng bằng chất keo sinh học. Ngoài ra, phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn nhiều chất béo, béo phì. Kiểm soát thật tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu, rối loạn nhịp tim.
Đột quỵ não không loại trừ lứa tuổi và giới tính, tuy nhiên đột quỵ tăng theo tuổi, đối với mỗi thập niên sau 55 tuổi, nguy cơ đột quỵ tăng gấp hai lần.
Yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm tăng huyết áp (60 - 75%), vữa xơ động mạch (35%), bệnh lý van tim (12 - 15%), đái tháo đường (15 - 25%), rối loạn lipid máu (40 - 57%), nghiện thuốc lá (30 - 35%), nghiện rượu (25 - 30%), béo phì, thiếu máu não thoảng qua (15%)...
5 phút để nhớ, thời gian là não
ThS.BS Phạm Xuân Hiếu cho biết, đột quỵ, tai biến mạch máu não và xuất huyết não, màng não là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và thế giới. Để lại di chứng nặng nề về thần kinh, vận động và tốn kém chi phí điều. Đột quỵ cần được nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời mới có thể bảo tồn được tính mạng, giảm thiểu biến chứng, di chứng.
Trong cấp cứu đột quỵ, “thời gian là não” để nhấn mạnh rằng càng trì hoãn đột quỵ não thì càng thiệt hại cho người bệnh. Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Thời gian vàng trong cứu đột quỵ thiếu máu não là 3 - 4,5 giờ đầu tính từ khi khởi phát. Bỏ qua thời điểm này, người bệnh không được tái thông các mạch máu lớn có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế nặng.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, cơ hội khép lại vì sự thiếu hiểu biết trong nhận biết sớm đột quỵ. Hãy dành 5 phút để nhớ, đột quỵ não có các biểu hiện:
B - balance: Mất thăng bằng;
E - eye: Mất thị lực đột ngột 1 phần hoặc hoàn toàn;
F - face: Méo miệng/mặt, nhân trung lệch;
A - arm: Một bên chân/tay bị yếu;
S - speech: Mất khả năng nói;
T - time: Thời gian xuất hiện đột ngột, phải chạy đua với thời gian, ngay lập tức gọi xe cấp cứu.
Cách phòng tránh
- Nên ngủ trong phòng kín gió, đủ ấm.
- Buổi sáng thức dậy không nên ra khỏi chăn và xuống giường quá đột ngột, cần có thời gian để cơ thể thích ứng với điều kiện bên ngoài.
- Cần tăng cường bổ sung các loại rau, trái cây, nhiều chất xơ (bơ, cam, táo, chà là, chuối...), sử dụng thực phẩm giàu chất béo chưa bão hòa như omega-3, omega-6 ít nhất 2 ngày trong tuần (cá hồi, cá trích...).
- Hạn chế ăn đồ chiên xào, đồ nướng, thịt đỏ và tất cả những đồ ăn chứa chất béo bão hòa. Nên ăn thịt trắng, thịt gia cầm bỏ da, ăn ít muối và hạn chế đường.
- Tránh dùng các loại nước uống có ga, thực phẩm đóng hộp.
- Tránh chất kích thích như trà đặc, rượu, bia, cà phê, thuốc lá...
- Lựa chọn các bài tập thể dục phù hợp, đi bộ 30 phút/ngày cũng có thể giúp phòng bệnh tim mạch.