4 tỉnh, thành phố có cơ chế đặc thù từ 1/1/2022

Quốc hội quyết định 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế có cơ chế đặc thù từ ngày 1/1/2022

Sáng nay 13/11, Quốc hội tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai. Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế.

quy-bao-ton-di-san-cho-hue.jpg
Các đại biểu bấm nút thông qua.

Trong đó, Quốc hội cho phép tỉnh Thừa Thiên- Huế lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, có ý kiến chưa đồng ý thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Thừa Thiên- Huế là địa phương có di tích lịch sử quốc gia, có di sản văn hóa thế giới, song nhiều cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nguồn lực trùng tu, rất cần huy động nguồn lực toàn xã hội để gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử.

Có nhiều tổ chức, cá nhân và một số địa phương cũng mong muốn được chung tay bảo tồn một số di tích. Việc thành lập quỹ nhằm bảo đảm minh bạch, tập trung trong tiếp nhận tài trợ cho bảo tồn các di sản. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên đề xuất.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế, chính sách.

Theo đó, đối với Thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh Thừa Thiên- Huế, tỉnh Nghệ An hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Đối với Thừa Thiên- Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp.

Theo Đời sống
back to top