4 hệ lụy nguy hiểm khi rửa mũi bằng nước muối không đúng cách

Rửa mũi bằng nước muối thường được nhiều người lựa chọn để làm sạch hay tăng cường thoáng khí trong khoang mũi. Tuy nhiên, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cũng chỉ ra một số tác hại tiềm năng có thể xảy ra nếu không thực hiện đúng cách.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại sao cần rửa mũi?

Mỗi ngày chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều bụi bẩn, tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là mũi - cửa ngõ hô hấp, nơi đầu tiên phải tiếp xúc và lọc vi khuẩn.

Nếu bạn mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp hay thường xuyên phải trải qua tình trạng nghẹt mũi, tắc mũi khó thở bạn sẽ thấy không có gì tuyệt vời hơn khi cơ thể được hít thở thật sâu, tận hưởng cảm giác không khí lưu chuyển qua các cánh mũi và phổi.

Đó là lý do vì sao mà chúng ta phải vệ sinh mũi. Rửa mũi đúng cách giúp mang lại những lợi ích như:

Rửa bỏ chất bẩn cùng dịch nhầy trong các hốc mũi.

Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi lưu thông khí, hô hấp, giúp thông thoáng đường thở.

Giảm nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, kích ứng như phấn hoa, lông động vật…

Hạn chế các tổn thương xảy ra ở mũi do vi khuẩn tích tụ gây phù nề, sưng viêm…

Rửa mũi là cách hỗ trợ hiệu quả giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của nhiễm trùng do viêm xoang, viêm mũi, cảm lạnh, dị ứng… Trong nghiên cứu mới đây, các bệnh nhân có vấn đề về viêm xoang mạn tính đã thực hiện rửa mũi hàng ngày và cho thấy mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng đã được cải thiện 60%.

Tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối không đúng cách

Nhiễm trùng

Nếu dụng cụ rửa mũi không sạch sẽ, khoang mũi có thể bị nhiễm vi khuẩn gây nhiễm trùng. Vậy nên, bạn cần tránh dùng chung dụng cụ rửa mũi với người khác.

Bên cạnh đó, dùng nước không được khử trùng, kể cả nước máy để rửa mũi cũng rất nguy hiểm. Nước máy chứa nhiều vi sinh vật, bao gồm cả amip có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi, đi đến não và gây bệnh viêm màng não. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Gây chảy máu cam

Chảy máu cam có thể xảy ra trong quá trình thụt rửa mũi, khi chất nhầy khô hoặc lớp vảy bong ra từ mũi.

Ngoài ra, nếu bạn ấn dụng cụ rửa mũi vào quá sâu hoặc quá mạnh thì sẽ gây ra tổn thương cho các mô mỏng manh của mũi. Những vết thương này cũng gây chảy máu cam.

Loại bỏ lớp niêm mạc bảo vệ mũi

Khi bạn bị viêm mũi, xoang sẽ chứa nhiều chất nhầy. Rửa mũi có hiệu quả trong việc làm loãng và rửa sạch chất nhầy dư thừa. Tuy nhiên, khi bạn lạm dụng rửa mũi thường xuyên (kể cả khi không bị nghẹt mũi) thì việc này gây hại nhiều hơn.

Tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối quá nhiều sẽ làm mất đi lớp màng nhầy bảo vệ khoang mũi. Lớp màng này có tác dụng bẫy các chất kích thích và vi trùng xâm nhập vào lỗ mũi. Nó cũng chứa protein tiêu diệt vi khuẩn trước khi chúng xâm nhập vào phổi. Rửa mũi quá nhiều làm mất đi lớp niêm mạc bảo vệ, khiến bạn dễ mắc bệnh nhiễm trùng xoang.

Cảm giác nóng rát trong mũi

Khi rửa mũi đúng cách thì tác dụng phụ thường nhẹ và tạm thời. Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát hoặc châm chích ở mũi. Ngoài ra, bạn có thể gặp kích ứng nhẹ ở đường mũi.

Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý an toàn, hiệu quả

Để làm sạch xoang và khoang mũi, bạn cần:

Chuẩn bị sẵn một chậu rửa mặt để hứng dung dịch hoặc thực hiện quy trình rửa mũi trong nhà vệ sinh có bồn rửa mặt.

Cúi người về phía chậu rửa hoặc bồn rửa, đồng thời nghiêng đầu sang trái.

Cẩn thận đưa nước muối sinh lý từ bình rửa chảy vào lỗ mũi bên phải. Lưu ý không để đầu của bình rửa chạm vào thành mũi.

Thở bằng miệng trong lúc chờ đợi dung dịch chảy ra từ lỗ mũi bên trái. Cố gắng điều chỉnh tư thế nghiêng đầu để dung dịch không chảy xuống họng.

Nghiêng đầu sang phải và thực hiện lại các bước trên.

Sau khi dùng hết nước muối sinh lý, hãy nhẹ nhàng xì mũi vào khăn giấy để loại bỏ hết dung dịch cũng như chất nhầy còn sót lại.

Theo Đời sống
back to top