<div> <p>Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng TP và cả nước có hai tuần để quyết định thành bại cuộc chiến chống “giặc” COVID-19. “Nếu bỏ lỡ thời cơ vàng này là không thể làm lại và có lỗi với lịch sử” - ông Nhân nói và đề nghị các cơ quan liên quan cần có những giải pháp đặc biệt mang tính quyết định để góp phần giữ cho đất nước không rơi vào tình trạng bùng phát dịch.</p> <p><strong>Hai tuần “khổ trước, sướng sau”!</strong></p> <p>Theo ông Nhân, trong hai tuần tới phải làm quyết liệt và không để vượt quá 500 người nhiễm trên toàn quốc. Còn nếu đạt mốc 1.000 người nhiễm là nguy cơ lây nhiễm tăng rất cao. “Khi ca nhiễm lớn lên, chúng ta có xây bệnh viện mới ngàn giường cũng không giải quyết nổi, không có khu cách ly nào làm cho kịp tốc độ lây nhiễm” - ông Nhân nói.</p> <p>Dẫn chứng kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm tốt công tác chống dịch, ông Nhân cho rằng họ đã chặn dứt khoát những người về từ các vùng dịch, cắt nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài. “Chúng ta đã và đang làm giải pháp này, chỉ còn những người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương. Con em mình về là đúng nhưng phải xử lý được nguy cơ này” - ông Nhân nói.</p> <p>Một giải pháp khác mà các nước đã làm quyết liệt là đóng cửa các trường học, đình chỉ các hoạt động đông người. “Đóng cửa trường học thì chúng ta đã làm nhưng đình chỉ các hoạt động đông người chúng ta làm chưa rõ” - ông Nhân nói và cho rằng không nên đóng tất cả dịch vụ nhưng cái nào có nguy cơ là phải điều tiết. “Tinh thần là chúng ta còn hai tuần nữa, ráng chịu cực hơn để sau sướng hơn, còn nếu hai tuần tới mà vẫn sống như bình thường thì sau đó đất nước sẽ khó khăn vô vàn” - ông Nhân nói.</p> <p>Ông Nhân đề nghị thực hiện tốt các giải pháp như ngăn chặn người nước ngoài mang dịch vào; người dân xét nghiệm nếu có nhu cầu; đeo khẩu trang thường xuyên; đình chỉ hoạt động đông người; người dân có tiếp xúc với người bệnh phải tự giác cách ly 14 ngày.</p> <p>Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hai tuần này phải giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. “Trong hai tuần tới, tóc chưa dài lắm khỏi đi cắt. Giày chưa hư cũng đừng đi mua. Làm móng tay, mua quần áo, bánh kẹo... nếu chưa thật cần thiết thì hoãn lại... Hãy ở nhà giữ cho mình an toàn” - ông Nhân nói và cho rằng cần phải bàn kỹ để làm sao giảm người dân ra khỏi nhà một cách tự giác. Phải xem đây như thời chiến, là cuộc chiến chống dịch.</p> <p align="center"><img alt="4 điều người dân cần làm trong 15 ngày vàng chống dịch - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/17/12-dong-cua_ozvq.jpg" /><br /> <em class="image_caption">Một nhà hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 đóng cửa im lìm. (Ảnh chụp chiều 24-3) Ảnh: HOÀNG GIANG</em></p> <p><strong>Truyền thông lại về khẩu trang</strong></p> <p>Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cần truyền thông lại về khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang vải cũng có tác dụng kháng khuẩn, không cứ nhất thiết phải tìm mua khẩu trang y tế.</p> <p>“Sở Y tế rà lại truyền thông, khuyến cáo người dân nên đeo loại khẩu trang gì, khẩu trang vải có thể ngăn được virus, thương hiệu nào dùng được và giặt mấy lần, công bố cho người dân biết... Không để người dân muốn có mà không có thì lãnh hậu quả là chúng ta” - ông Nhân nói.</p> <p>Theo ông Nhân, người dân không biết cách sử dụng khẩu trang sẽ không có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh. Ông Nhân gợi ý mỗi phường khảo sát 100 hộ dân về tình hình mua khẩu trang của họ như họ mua ở đâu, giá bao nhiêu, mua loại gì, họ có biết chất lượng và cách dùng như thế nào. Từ đó, phường nắm nhu cầu và phân phối khẩu trang cho hợp lý.</p> <p>Báo cáo về vấn đề khẩu trang, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết TP đã đề nghị các địa phương tập hợp đăng ký sử dụng cho các tổ dân phố khi có yêu cầu khẩu trang vải kháng khuẩn.</p> <p>Về tình hình tại các khu cách ly, ông Nhân lưu ý không nhận người cách ly vào các cơ sở không đảm bảo điều kiện. Ông Nhân nhận xét ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM là nơi đang giúp cách ly nhiều người nhất, chiếm hơn 80% tổng số người cho TP nên cần có thái độ đặc biệt và có quy định, chính sách hỗ trợ đối với nơi này, đặc biệt là đảm bảo điều kiện an ninh trật tự xung quanh khu vực cách ly. Sắp tới, ký túc xá sẽ tiếp tục nhận người vào nên cần có thỏa thuận và giải pháp thỏa thuận trong việc sử dụng ký túc xá làm khu cách ly, không làm quá tải cho cán bộ, công chức ĐH Quốc gia.</p> <div> <table align="center" cellpadding="0" cellspacing="5"> <tbody> <tr> <td style="background-color: rgb(238, 238, 238); text-align: justify;"> <p><b>100 phòng đơn có thu phí tại ký túc xá Học viện Chính trị Quốc gia</b></p> <p>Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP đã quyết định mở thêm hai khu cách ly tập trung với quy mô 2.000 người tại khu ký túc xá ĐH Ngoại ngữ Tin học (huyện Hóc Môn, 900 giường) và tại ký túc xá Học viện Chính trị Quốc gia (quận 9) với quy mô 1.000 phòng.</p> <p>Đặc biệt, khu cách ly này sẽ sử dụng 100 phòng đơn để ưu tiên cho khách ngoại giao đoàn và khách quốc tế, có thu phí.</p> <p>Ngoài ra, TP cũng đã quyết định sẽ không cách ly tập trung tại các cơ sở ở quận, huyện và bắt đầu không nhận người vào khu cách ly này trong đêm nay.</p> <p><strong>Tạm ngưng nhà hàng, quán bia, hớt tóc…</strong></p> <p>Chiều 24-3, UBND TP có thông báo khẩn chỉ đạo tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên) từ 18 giờ ngày 24 đến hết 31-3.</p> <p>Việc tạm dừng hoạt động còn áp dụng đối với câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP. </p> </td> </tr> </tbody> </table> </div> </div> <p> </p>