4 cung điện tráng lệ nổi tiếng nhất Việt Nam

Điện Thái Hòa, Điện Long An, Cung Diên Thọ và Cung An Định là những cung điện mang giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo nhất trong Di sản thế giới quần thể di tích Cố đô Huế. Cùng điểm qua những nét chính về bốn cung điện này.

Điện Thái Hòa

Nằm ở Đại Nội của Hoàng Thành Huế, Điện Thái Hòa được coi là biểu tượng cho quyền lực của nhà Nguyễn. Cung điện này là nơi đặt ngai vàng của nhà Nguyễn, đồng thời là chứng tích ghi dấu sự đăng quang của 13 vị Vua triều Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại.

Điện Thái Hòa được xây dựng theo lối trùng thiềm điệp ốc, gồm hai tòa nhà song song với quy mô bề thế và tráng lệ, có diện tích 1360 m² trên nền cao 1 mét, trông ra một sân rộng gọi là sân Đại Triều Nghi. Đây là ngôi điện lớn nhất trong hàng chục cung điện ở khu vực Hoàng thành Huế.

Nội thất Điện Thái Hòa được sơn son thếp vàng lộng lẫy. 80 cột gỗ lim trong điện được sơn thếp và trang trí hình rồng vờn mây. Trung tâm của chính điện là ngai vàng của các Vua nhà Nguyễn, được đặt trên bục gỗ ba tầng, chạm trổ hình rồng rất cầu kỳ.

Giới nghiên cứu đánh giá, Điện Thái Hòa là một công trình tiêu biểu trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế cũng như các kiến trúc cung điện nói riêng của Hoàng thành. Có thể nói cung điện này là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.

Điện Long An

Tọa lạc tại số 3 Lê Trực, cạnh góc Đông Nam Hoàng thành Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chính là Điện Long An, một cung điện tráng lệ của nhà Nguyễn xưa. Tòa điện này được xây theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc", đặt trên nền cao 1,1m, vỉa ốp đá thanh. Ðiểm đặc biệt nổi bật nhất ở nghệ thuật kiến trúc Điện Long An là sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật. Những chi tiết gỗ của điện không sơn son thếp vàng, chỉ để mộc trơn và được tô điểm bằng các kỹ thuật chạm trổ tinh xảo.

Phần trang trí nội thất chính của ngôi điện là các liên ba, đồ bản chạm khắc theo lối nhất thi nhất họa và nhất tự nhất họa phổ biến trong các cung điện Huế. Đáng chú ý trong hệ thống trang trí là những bài thơ, hầu hết là do đích thân Vua Thiệu Trị sáng tác.

Có thể nói, những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời trong nội thất của Điện Long An là những hiện vật lịch sử vô giá, góp phần làm phong phú thêm cho hệ thống trưng bày đặc sắc của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Cung Diên Thọ

Nằm ở phía tây Tử Cấm Thành Huế, Cung Diên Thọ là một hệ thống kiến trúc cung điện được sử dụng làm nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Đây được coi là hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất còn lại tại Cố đô Huế.

Trải qua nhiều lần tu sửa, Cung Diên Thọ ngày nay rộng khoảng 17.500m2, có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau. Công trình trung tâm của cung Diên Thọ là tòa Diên Thọ chính điện, xây bằng gạch và gỗ sơn đen, rộng 27,5m, dài 34,7m, diện tích gần 960m².

Kết cấu tòa Diên Thọ chính điện được chống đỡ bằng hệ thống cột gỗ và vì kèo tiền doanh làm theo kiểu chồng rường giả thủ, chạm trổ tỉ mỉ, thanh nhã. Nội thất điện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, đặc biệt là bức hoành phi "Diên Thọ cung" làm năm 1916 và tám bức tranh gương cổ.

Nằm ở phía Đông của Diên Thọ chính điện là tạ Trường Du, một nhà thủy tạ được dựng vào năm 1849 trong lần đại tu cung Gia Thọ, chuẩn bị cho lễ Tứ tuần đại khánh tiết của Hoàng thái hậu Từ Dụ. Đây là một trong bốn nhà tạ cổ xưa còn lại của kinh thành Huế.

Các công trình trong Cung Diên Thọ được nối thông với nhau bằng hệ thống hành lang, thường là trường lang hoặc hồi lang (hành lang vòng), lợp ngói lưu ly xanh.

Cung An Định

Tọa lạc bên bờ sông An Cựu, địa chỉ số 97 đường Phan Đình Phùng, TP Huế, Cung An Định là cung điện riêng của Vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua. Từ ngày 28/2/1922, Cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này).

Khi còn nguyên vẹn, cung có khoảng 10 công trình, từ trước ra là bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước... Đến nay cung còn lại ba công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, Cung An Định đánh dấu thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây. Các công trình kiến trúc ở đây mang kết hợp giữa đề tài trang trí truyền thống của Việt với các đề tài châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc độc đáo.

Đặc biệt, Cung An Định còn lưu giữ được bộ 6 bức tranh được vẽ trực tiếp lên tường mô tả các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định. Đây là những tác phẩm độc đáo của giai đoạn chuyển tiếp mỹ thuật Việt truyền thống với mỹ thuật mới đầu thế kỷ 20.

Theo Đời sống
back to top