Mới đây, trong Báo cáo chiến lược năm 2024 của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 của ngành ngân hàng đạt 14%, thấp hơn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do nền kinh tế và thị trường bất động sản có thể sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi.
Tuy vậy, ngành ngân hàng trong năm 2024 vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương hỗ trợ hoạt động thông qua ban hành các luật, chính sách, đặc biệt liên quan đến vấn đề cơ cấu nợ xấu.
Theo chuyên gia, nhóm ngành ngân hàng đang được định giá ở mức hấp dẫn với P/E 9,0 lần, thấp hơn 18,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2009-2023 và P/B 1,5 lần. Với mức định giá đang ở mức thấp, chuyên gia nhận định rủi ro nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá sâu được hạn chế và có nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Do đó, với mức định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư MUA đối với 4 mã cổ phiếu TCB, MBB, STB và VIB, kỳ vọng tăng lên đến 53%.
TCB - khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 42.000 đồng/cp, kỳ vọng tăng 22%
ACBS đánh giá, TCB tối ưu chi phí vốn một cách hợp lý khi tập trung vào nguồn vốn ngắn hạn giá rẻ hơn tỷ lệ CASA 33,6% và vay ròng liên ngân hàng cùng việc huy động vốn dài hạn từ nước ngoài.
Ngoài ra, TCB tập trung lớn vào cho vay kinh doanh bất động sản và mua nhà (chiếm tỷ trọng khoảng 70%). Điều này làm tăng rủi ro tập trung, nhưng giúp hiệu quả hoạt động được tối ưu hóa khi khai thác được chuỗi giá trị bất động sản và bán lẻ. Năm 2024, chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng TCB đạt 17% và NIM tăng 22 điểm cơ bản so với năm 2023.
Nhờ việc tối đa hoá chi phí vốn và chi phí hoạt động, TCB đạt được khả năng sinh lời dẫn đầu ngành với ROA 2,4%. Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh vốn chủ sở hữu dày (CAR trên 15%) khiến ROE của TCB chỉ ở mức trung bình.
Về định giá, cổ phiếu TCB đang được giao dịch ở mức khá hấp dẫn với mức P/E 7,0 lần và P/B 0,9 lần. So với dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 27.500 tỷ đồng, tăng 22% trong năm 2024, chuyên gia đánh giá đây là mức định giá hấp dẫn.
Chứng khoán ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu cho cổ phiếu TCB là 42.000 đồng/cp, với mức kỳ vọng sinh lời 22%.
MBB - khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 30.000 đồng/cp, kỳ vọng tăng 38%
ACBS đánh giá MBB có chi phí vốn thấp thứ 2 toàn hệ thống (sau VCB) nhờ tỷ lệ CASA luôn nằm trong nhóm dẫn đầu và thanh khoản dồi dào nhờ tiền gửi từ tập khách hàng doanh nghiệp lâu năm.
Với những lợi thế đó, MBB có hiệu quả sinh lời luôn nằm trong nhóm dẫn đầu hệ thống với ROE năm 2023 dự báo ở mức 23%. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu gia tăng từ nguồn lợi nhuận hàng năm đủ lớn để giúp MBB tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 20% trong năm 2024 mà vẫn đảm bảo các tiêu chí về vốn và thanh khoản.
Ngoài ra, tệp khách hàng của MBB tăng trưởng nhanh chóng, đến giữa năm 2023, MBB có gần 24 triệu khách hàng và đang hướng tới mục tiêu 30 triệu khách hàng vào năm 2026.
Về định giá, cổ phiếu MBB đang được định giá ở mức hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 30.349 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023. Trong đó, P/E được giao dịch ở mức 5,5 lần và P/B 1,1 lần.
Chứng khoán ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu cho cổ phiếu MBB là 30.000 đồng/cp, với mức kỳ vọng tăng 38%.
STB - khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 45.500 đồng/cp, kỳ vọng tăng 53%
ACBS cho rằng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi năm 2023 của STB ước tính giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, tiến độ xử lý nợ tồn đọng tốt hơn dự kiến giúp STB hoàn thành trích lập 100% các tài sản tồn đọng đến cuối năm 2023. Nhờ bảng cân đối được "làm sạch", lợi nhuận của STB được trở về mức "thực chất" hơn kể từ năm 2024 trở đi.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi kỳ vọng hồi phục 15% trong năm 2024, sau khi các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đáo hạn, giúp giảm chi phí vốn và cải thiện NIM của STB.
Bên cạnh đó, chuyên gia ước tính giá trị tài sản đảm bảo còn lại vào khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó đáng kể nhất là khoản 32,5% cổ phần STB. Đây là những khoản lợi nhuận trước thuế tiềm năng trong những năm tới và tương đương 50% giá trị vốn chủ sở hữu (sau thuế) hiện tại của STB.
Lợi nhuận trước thuế năm 2024 dự báo đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2023.
Về định giá, giá cổ phiếu STB đang giao dịch ở mức không hấp dẫn với P/E 7,7 lần và P/B 1,3 lần. ACBS cho rằng, các hệ số định giá này sẽ giảm đi đáng kể kể từ năm 2024 khi STB không còn gánh nặng trích lập tài sản tồn đọng và khi ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo trên.
Chứng khoán ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu cho cổ phiếu STB là 45.500 đồng/cp, với mức kỳ vọng tăng là 53%.
VIB - khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 27.800 đồng/cp, kỳ vọng tăng 30%
VIB đã đa dạng hóa nguồn vốn của mình bằng cách tăng huy động từ các tổ chức tài chính nước ngoài (có lãi suất thấp hơn trong nước) giúp chi phí vốn của VIB giữ ở mức khá thấp so với đối thủ.
Ngoài ra, chiến lược tập trung cho vay phân khúc bán lẻ có lợi suất cao giúp cho VIB đạt được khả năng sinh lời vượt trội, với ROE năm 2023 dự báo đạt 25%.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo khẩu vị rủi ro cao trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn khiến nợ quá hạn của VIB tăng mạnh. Tính đến cuối quý III/2023, tỷ lệ nợ quá hạn của VIB ở mức 10,13%, nằm trong nhóm cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết.
Ngoài ra, nhu cầu tín dụng cá nhân sụt giảm do thị trường bất động sản trầm lắng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng, NIM cũng như tăng trưởng lợi nhuận của VIB trong thời gian tới.
Về định giá, cổ phiếu VIB đang được giao dịch ở mức P/E 5,9 lần và P/B 1,5 lần. Chuyên gia cho rằng đây là mức khá hấp dẫn và có thể được tăng lên nhờ lãi suất đang mức thấp lịch sử và lợi nhuận trước thuế năm 2024 kỳ vọng tăng 6% so với 2023.
Chứng khoán ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu cho cổ phiếu VIB là 27.800 đồng/cp, với mức kỳ vọng tăng 30%.