Uống sai hỏng răng, hại dạ dày
Thuốc chống loãng xương có rất nhiều loại nhưng thuốc thường được bác sĩ kê đơn và nhiều người tự ý mua dùng là bisphosphonate. Loại thuốc này có tác dụng làm tăng hoạt tính của tế bào xương và làm giảm hoạt tính của tế bào hủy xương.
Tức là thuốc tác động đồng thời lên 2 nhóm tế bào chính trong xương là tế bào tạo xương – giúp chắc xương, và tế bào hủy xương – làm tiêu xương. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi xế chiều, hoạt tính của tế bào hủy xương không cân bằng với hoạt tính của tế bào tạo xương nên xương người già thường bị giòn và dễ gẫy.
Bisphosphonate có tác dụng ức chế sự thoái hoá xương, bảo tồn khối lượng xương, có khả năng làm tăng độ bền vững của xương cột sống và xương hông. Nhiều nghiên cứu cho thấy nó có tác dụng làm giảm nguy cơ gãy xương cột sống và xương hông khoảng 50%.
Bisphosphonate đặc biệt có ích lợi cho nam giới, những người trẻ và những người có sử dụng corticoides kéo dài. Bisphosphonate là thuốc quan trọng bậc nhất trong việc điều trị loãng xương, nhưng thuốc lại có nhiều tác dụng phụ và nghiêm trọng nhất là 3 tác dụng phụ sau:
Gây viêm loét dạ dày thực quản: Do bản chất cấu trúc hóa học, bisphosphonate rất nhạy cảm với bề mặt dạ dày và thực quản. Thuốc có thể gây kích ứng, đau, viêm, loét và thậm chí là ung thư. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân sau một thời gian sử dụng thuốc đã bị viêm loét dạ dày thực quản.
Một số bị ung thư thực quản sau một thời gian dài dùng thuốc. Nguyên nhân gây viêm thực quản là do đọng thuốc trong lòng thực quản (do uống thuốc không trôi vào dạ dày hoặc do thuốc tan ngay ở thực quản).
Rụng răng, xương hàm hoại tử: Mặc dù có cùng thành phần, nhưng xương và răng là hai thứ bị tác động hoàn toàn khác nhau khi chúng ta dùng thuốc bisphosphonate. Khi dùng thuốc, xương được chắc thêm nhưng răng lại dễ rụng vì chân răng bị hoại tử.
Nhiều trường hợp bị hoại tử xương hàm ở những người dùng bisphosphonate kéo dài. Hiện không rõ cơ chế nào gây ra hiện tượng kỳ dị này nhưng có lẽ đó là do thuốc làm rối loạn sự lắng đọng canxi vào vị trí răng.
Sự cố này càng dễ xảy ra hơn khi người bệnh dùng thuốc là người đã từng trải qua thủ thuật nhổ răng, phụ nữ mãn kinh và nhất là người dùng thuốc dạng tiêm.
Gây rối loạn rụng trứng và vô sinh: Nguyên nhân là do thuốc gây ra sự rối loạn chu kỳ rụng trứng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tác dụng phụ gây vô sinh chỉ gặp ở người dùng thuốc quá liều. Nếu như dùng liều gấp 3 – 5 lần liều thông thường thì gần như là những tháng đang điều trị và những tháng sau đó không có trứng rụng.
Tác dụng phụ gây vô sinh cũng gặp ở đàn ông nhưng tỷ lệ thấp hơn và không đáng ngại bằng nữ giới.
Tuân thủ nguyên tắc uống để tránh bệnh
Để giảm tác dụng phụ của thuốc, khi uống thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc sau: Tuyệt đối không uống bisphosphonate khi dạ dày trống rỗng. Tuy nhiên, thuốc lại hấp thu tốt hơn khi dạ dày không nhiều thức ăn.
Vì vậy, nên uống thuốc sau ăn tối thiểu 2h. Không uống thuốc nếu cách quá bữa ăn 3h. Khi uống thuốc phải uống thật nhiều nước để đảm bảo thuốc hoàn toàn trôi xuống dạ dày và rửa sạch những bám dính của thuốc trên thành thực quản.
Ngồi thẳng lưng khi uống thuốc và giữ nguyên tư thế ít nhất trong 5 phút để thuốc chắc chắn đi xuống dạ dày mà không bị mắc ở thực quản.
Để tránh nguy cơ rụng răng và hoại tử xương hàm, không được dùng thuốc khi vừa trải qua thủ thuận răng miệng, kể cả nhổ răng và định kỳ sau 2 tuần dùng thuốc nên khám răng miệng để chống biến chứng xảy ra.
Để tránh vô sinh, tuyệt đối không dùng thuốc quá liều với độ tuổi sinh sản. Còn với thuốc dạng tiêm, cần nhanh chóng kết thúc liều điều trị. Vì dạng thuốc tiêm rất có hại với hệ sinh sản do thuốc ngấm nhanh vào mô cơ quan này.
BS Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y 103)