3 lý do Apple không tăng giá iPhone trong 6 năm liên tiếp

Trang MakeUseOf đã chỉ ra ba nguyên nhân chính khiến giá iPhone luôn ổn định trong nhiều năm qua.
Nguồn: MakeUseOf

Nguồn: MakeUseOf

“Phổ cập hoá” iPhone

Việc không tăng giá iPhone sẽ giúp Táo khuyết thu hút được tệp người dùng lớn hơn, đặc biệt là với những người trẻ. Họ thường có thu nhập không quá dư giả, và thường ít khi (hoặc rất lâu) mới đổi một chiếc điện thoại mới. Với mức giá hợp lý, khả năng giữ giá theo thời gian và tính ổn định đến tuyệt vời đến từ iOS, iPhone đáp ứng quá tốt những nhu cầu trên.

Tất nhiên điện thoại Android vẫn có tệp khách hàng riêng. Trên thực tế, mặc dù chiếm đến 8/10 vị trí điện thoại bán chạy nhất năm 2022, thế nhưng sản lượng iPhone bán ra chỉ chiếm 16%, tức chưa bằng một phần tư so với Android.

iPhone thường được định hình là flagship, vậy nên mức giá của chúng thường rất cao. Với những người dùng cơ bản, không có tài chính tốt mà lại yêu cầu một sản phẩm mới, chính hãng, họ chỉ có lựa chọn là những mẫu máy Android giá rẻ.

Thêm vào đó, những chiếc iPhone vẫn tồn tại quá nhiều thiếu sót, thua thiệt so với những mẫu flagship Android cùng đời. Và thay vì lựa chọn một chiếc iPhone, họ có thể cân nhắc những Samsung, Xiaomi hay OPPO với vô vàn trang bị, lựa chọn khác nhau, trong khi mang đến trải nghiệm sử dụng là gần như tương đồng.

Tăng giá dịch vụ

Trên thực tế, Apple còn là một công ty phần mềm. Và không phải iPhone, iPad hay bất cứ một thiết bị phần cứng nào, mảng dịch vụ mới chính là “miếng mồi lớn” mà Táo khuyết đang theo đuổi.

Đó chính là lý do vì sao mới đây Apple đã tăng giá các gói dịch vụ Apple Music, Apple One hay Apple TV+. Mức tăng giá nhìn chung không quá đáng ngại với chúng ta, nhưng nếu nhân chúng với hàng trăm triệu người dùng thì đó quả là món hời lớn đối với Apple.

Bằng cách không tăng giá iPhone, Apple đang cố gắng giúp nhiều người tham gia vào hệ sinh thái của mình. Khi đó, họ có thể bán các dịch vụ như Apple TV+, Apple Arcade, Apple Music, dần dần khiến người dùng phải trả phí thường xuyên và thu lợi nhuận.

Đó là lý do vì sao những chiếc iPhone thường hỗ trợ vòng đời rất dài, thường là từ 5 – 6 phiên bản iOS. Điều này giúp những người dùng iPhone rất cũ vẫn có thể trải nghiệm đa số các dịch vụ, tiện ích của hãng. Kể cả khi có nhu cầu đổi máy mới, họ cũng sẽ luôn ưu tiên iPhone hơn vì đã bị “khoá chặt” trong hệ sinh thái của Táo khuyết.

Giữ quan hệ với các đối tác

Là một trong những công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới, Apple luôn biết cách giữ quan hệ với các đối tác sản xuất của hãng. Trên thực tế, Táo khuyết là khách hàng lớn nhất của các công ty dưới đây:

Foxconn: lắp ráp linh kiện iPhone; TSMC: gia công chip cho iPhone; Samsung: cung cấp màn hình iPhone; Sony: cung cấp cảm biến camera trên iPhone; Qualcomm: cung cấp modem 5G trên iPhone;

Với mối quan hệ khổng lồ kể trên, các hãng sản xuất trên thường phải “tuân” theo Apple mỗi khi hãng yêu cầu họ không tăng giá linh kiện iPhone lên quá nhiều. Nhờ vậy, Táo khuyết có thể dễ dàng kiểm soát chi phí sản xuất của mình và không khiến giá iPhone “lạm phát” quá mạnh.

Trên thực tế, Apple cũng làm chủ nhiều công nghệ cốt lõi trên iPhone. Một trong số đó chính là chip xử lý. Nhờ việc tự nghiên cứu và sản xuất, hãng có thể dễ dàng kiểm soát sản lượng cũng như mức giá trên những con chip Apple A của mình. Cần nhớ rằng, Qualcomm đã có thời điểm tăng giá bán dòng chip Snapdragon của mình, buộc các hãng Android khác cũng phải tăng giá flagship lên tới hàng triệu đồng.

Thêm vào đó, Apple cũng được hưởng lợi từ thói quen “không giảm giá” của mình. Trong khi các mẫu máy Android thường xuyên giảm giá, iPhone thường bán đúng giá trong suốt một năm và cũng chỉ nhận được 1 – 2 đợt giảm giá nếu mẫu máy đó bán không chạy hay nhằm kích cầu tiêu dùng.

Vậy nên, chẳng có cơ sở nào để Apple đặt một mức giá quá cao lên những chiếc iPhone chỉ để giảm giá sau thời gian ngắn. Đó cũng chính là một phần lý do giúp những chiếc iPhone thường giữ giá kể cả khi đã ngừng sản xuất nhiều năm sau đó./.

Theo Đời sống
back to top