3 cá thể rùa biển được thả về tự nhiên ở Phan Thiết gồm loài nào?
Thiên Trang (TH)
Ba cá thể rùa này đã được người dân nuôi trong nhà nhiều năm. Khi mới tiếp nhận, các cá thể rùa đã mất bản năng săn mồi tự nhiên do được nuôi nhốt lâu ngày trong môi trường nước ngọt.
Mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thả 3 cá thể rùa biển gồm đồi mồi và vích, những loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, về vùng biển tự nhiên ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết ba cá thể rùa này đã được người dân nuôi trong nhà nhiều năm. Khi biết thông tin đây là những cá thể rùa biển nguy cấp, quý hiếm, người dân đã tự nguyện giao nộp cho các cơ quan chức năng.
Khi mới tiếp nhận, các cá thể rùa đã mất bản năng săn mồi tự nhiên do được nuôi nhốt lâu ngày trong môi trường nước ngọt. Do đó, Chi cục Thủy sản đã bàn giao chúng cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng để nuôi dưỡng, chăm sóc và thuần dưỡng.
Đến nay, các cá thể rùa đã khỏe mạnh và phát triển tốt, đủ điều kiện để thả về tự nhiên. Tổng trọng lượng của ba cá thể rùa là 41,2 kg, gồm hai cá thể đồi mồi và một cá thể vích.
Đồi mồi có tên khoa học Eretmochelys imbricata, là một trong 5 loài rùa biển hoang dã, có trong sách Đỏ thế giới và Việt Nam. Loài rùa biển này có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đồi mồi là loài duy nhất trong chi Eretmochelys. Loài này phân bố khắp thế giới.
Hình dáng bên ngoài của đồi mồi trông giống như các loài rùa biển khác. Cơ thể tương đối dẹp, mai lớn để bảo vệ cơ thể, và các chi giống mái chèo.
Việc con người săn bắt các quần thể đe dọa đồi mồi tuyệt chủng. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp loại đồi mồi ở cấp cực kỳ nguy cấp. Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cấm săn bắt và thương mại các sản phẩm từ đồi mồi vì mọi mục đích.
Vích có tên khoa học là Chelonia mydas. Đây là loài động vật hoang dã thuộc Danh mục nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ và Điều 244 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Thêm nữa, Vích thuộc loại “đang bị đe dọa” theo phân loại của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế; Phụ lục I của Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế. Vích cũng là một trong 5 loài rùa biển quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng cần được bảo tồn.
Theo các nhà nghiên cứu, khi trưởng thành, cá thể Vích nặng khoảng 90 kg, làm tổ quanh năm. Thời gian cao điểm làm tổ từ tháng 5 - 10 hàng năm. Đến mùa sinh sản, Vích di cư từ vùng kiếm ăn đến khu vực làm tổ. Thời kỳ giao phối của chúng diễn ra từ 1 - 2 tháng, trên đường di cư và trước khi đến các bãi biển để đẻ trứng.
Sau khi giao phối khoảng 2 - 4 tuần, cá thể Vích đực di cư về khu vực kiếm ăn, rùa cái lên bãi làm tổ và đẻ trứng lần đầu. Sau khoảng thời gian từ 11 - 13 ngày nghỉ tạo trứng, rùa mẹ tiếp tục đẻ lần thứ hai. Một cá thể rùa mẹ trong mùa sinh sản bình quân đẻ trứng 3 lần và chu kỳ sinh sản giữa 2 mùa dao động từ 1 - 5 năm.
Mời quý độc giả xem thêm video: Cận cảnh 5 loài rùa biển quý hiếm của Việt Nam liệt kê trong Sách Đỏ.