<div> <p>Sở Y tế Hà Nội vừa có thông tin về tình hình sức khoẻ của hai vợ chồng người Hà Nội <span>ngộ độc</span> thực phẩm do độc tố Botulinum sau khi ăn <span>pate Minh Chay</span> đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.</p> <p>Theo đó, đến hết hôm qua, người chồng (70 tuổi, có nhiều bệnh lý nền như di chứng tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành đặt stent 3 vị trí, tăng huyết áp...) còn phải thở máy, đã vận động nhẹ bàn tay, bàn chân. Người vợ (68 tuổi) mắt nhìn rõ, nói được khàn tiếng và đã vận động nhẹ.</p> <p>Đến nay, Hà Nội đã liên hệ được gần 700 khách hàng mua pate Minh Chay trong tổng số gần 1.200 khách hàng (theo danh sách Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới - đơn vị sản xuất pate Minh Chay - cung cấp).</p> <p>Đa số sức khỏe khách hàng sau khi sử dụng pate Minh Chay đều bình thường. Ngoài 2 trường hợp ngộ độc trên đây, còn có 24 trường hợp sau khi ăn pate Minh Chay khoảng 1-3 ngày có biểu hiện một số triệu chứng như: Đau đầu, mệt mỏi chân tay, đau bụng, chóng mặt, tê bì chân, tay. Các trường hợp này đã được hướng dẫn đến cơ sở y tế khám và theo dõi sức khỏe tại gia đình, khi cần thiết đến bệnh viện tái khám.</p> <div> <div><img alt="24 người ở Hà Nội biểu hiện bất thường sau khi ăn pate Minh Chay - Ảnh 2." src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/03/13/giadinh-mediacdn-vn_11837350428520230083522913526534760859024145n-1598866418730845327808.jpg" title="24 người ở Hà Nội biểu hiện bất thường sau khi ăn pate Minh Chay - Ảnh 2." /></div> <div> <p data-placeholder="[nhập chú thích]">Một bệnh nhân tới Bệnh viện Bạch Mai khám sau khi sử dụng pate Minh Chay và có biểu hiện bất thường về sức khoẻ.</p> </div> </div> <p>Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội hiện vẫn tiếp tục điều tra, hướng dẫn khách hàng có tình trạng sức khỏe bất thường sau khi sử dụng pate Minh Chay được khám và điều trị kịp thời. Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm do Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới cung cấp cho đến khi có kết luận của các cơ quan chức năng.</p> <p><b>Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum</b></p> <p>Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi ăn phải sản phẩm chứa <i>độc tố Botulinum</i>, thời gian ủ bệnh trung bình từ 12-36 tiếng sau khi ăn. Tuy nhiên có thể có triệu chứng bệnh ngay 4-6 giờ sau ăn hoặc ủ bệnh lâu từ 8-14 ngày.</p> <p>Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho hay tình trạng ngộ độc này chỉ xảy ra với các loại thực phẩm đóng kín trong môi trường thiếu không khí (trong hộp, chai, lọ, can, lon, bao, túi) trong khi điều kiện sản xuất bị nhiễm bẩn và môi trường bên trong thực phẩm không đảm bảo để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.</p> <p>Để phòng tránh, cần họn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ đáng lẽ chua nhưng lại không chua).</p> <p>Người dân cũng không nên tự đóng gói kín các thực phẩm theo các cách khác nhau (hộp, chai, lọ, hộp,…) và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (nhiệt độ đông đá làm vi khuẩn ngừng phát triển); Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).</p> <p>Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,…), người dân cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.</p> <div> <div>Loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn <i>Clostridium Botulinum </i>cổ điển là thịt hộp, tuy nhiên các vụ ngộ độc cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản,…khi được sản xuất để lẫn bào tử vi khuẩn, đóng gói kín không đảm bảo đủ điều kiện ngăn chặn vi khuẩn phát triển theo quy định, đặc biệt sản xuất thủ công, tại gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.</div> </div> </div>