<div> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="234 người chết, hơn 1.000 người Myanmar tháo chạy khỏi đất nước - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/20/icdn-dantri-com-vn_myanmar-1616083250671.jpg" title="234 người chết, hơn 1.000 người Myanmar tháo chạy khỏi đất nước - 1" /> <figcaption> <p>Người biểu tình đụng độ lực lượng an ninh Myanmar (Ảnh: Reuters).</p> </figcaption> </figure> <p>Nghị sĩ K. Vanlalvena từ bang Mirozam, đông bắc Ấn Độ ngày 19/3 cho biết hơn 1.000 người đã tìm cách chạy trốn khỏi tình hình bạo lực ở Myanmar và vượt biên sang Mirozam từ cuối tháng 2.</p> <p>Với số lượng người vượt biên ngày càng tăng, các nhà chức trách Mirozam đã kêu gọi chính quyền liên bang giúp xây dựng các trại tị nạn gần khu vực biên giới Myanmar - Ấn Độ.</p> <p>"Nếu không làm như vậy, toàn bộ người tị nạn sẽ tản đi khắp nơi ở Ấn Độ", ông Vanlalvena cho biết.</p> <p>Dòng người tị nạn từ Myanmar sang Ấn Độ bắt đầu từ cuối tháng 2, vài tuần sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi. Kể từ đó, làn sóng biểu tình bùng phát tại Myanmar, khiến ít nhất 234 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ.</p> <p>Quân đội Myanmar tuyên bố chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết và cáo buộc bầu cử gian lận khi đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng hồi tháng 11 năm ngoái.</p> <p>Mặc dù ban đầu có nhiều cảnh sát Myanmar và gia đình vượt biên sang Ấn Độ vì không muốn tuân thủ mệnh lệnh trấn áp người biểu tình của chính quyền quân sự, song ông Vanlalvena nói rằng ngày càng nhiều dân thường cũng rời khỏi bang Chin của Myanmar vì bất ổn gia tăng và đích đến của họ là bang Mirozam của Ấn Độ.</p> <p>"Phần lớn họ là dân thường. Số cảnh sát (vượt biên) không tăng", ông Vanlalvena cho biết.</p> <p>Trước đó, một quan chức cảnh sát Ấn Độ cho biết khoảng 400 người từ Myanmar, bao gồm cảnh sát và nhân viên của lực lượng cứu hỏa, đã vượt biên sang Ấn Độ.</p> <p>"Chúng tôi không thể làm tổn thương người dân của chúng tôi, đó là lý do chúng tôi tới Mirozam", một trong số cảnh sát bỏ trốn sang Ấn Độ cho biết.</p> <p>Theo sĩ quan cảnh sát trên, sau khi đảo chính xảy ra, chính quyền quân sự yêu cầu cảnh sát "nổ súng vào người dân".</p> <p>"Không chỉ nổ súng vào người dân, chúng tôi còn được lệnh nổ súng vào chính gia đình của mình nếu họ không đứng về phía quân đội", sĩ quan cảnh sát Myanmar cho biết.</p> <p>Một sĩ quan cảnh sát khác nói rằng họ không biết chuyện gì đang xảy ra với gia đình ở Myanmar, nhưng gia đình họ chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều vấn đề từ chính quyền quân sự.</p> <p>"Chúng tôi đến Mirozam để lánh nạn, chúng tôi sẽ chết nếu trở về. Chúng tôi không thể liên lạc được với cha mẹ do vấn đề về viễn thông, những gì chúng tôi nghe được là họ rất sợ khi rời khỏi nhà. Tôi hy vọng một ngày nào đó chúng tôi sẽ gặp lại nhau", sĩ quan cảnh sát cho biết.</p> <p>Chính quyền liên bang Ấn Độ tuần trước đã chỉ đạo 4 bang có chung biên giới với Myanmar và lực lượng bán quân sự ngăn chặn bất kỳ làn sóng di cư bất hợp pháp nào vào Ấn Độ, thậm chí trục xuất những người vượt biên. Myanmar hồi đầu tháng cũng đề nghị Ấn Độ đưa những cảnh sát vượt biên về nước.</p> <p>Tuy nhiên, chỉ đạo trên của chính quyền liên bang đã vấp phải sự phản đối của bang Mirozam. Thủ hiến bang Zoramthanga ngày 18/3 đã gửi thư cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, kêu gọi chính phủ liên bang nên cấp cơ chế tị nạn cho người Myanmar.</p> <p>"Tôi hiểu rằng có những vấn đề nhất định về chính sách đối ngoại mà Ấn Độ cần xử lý thận trọng. Tuy nhiên, chúng ta không thể phớt lờ cuộc khủng hoảng nhân đạo này", ông Zoramthanga nhận định.</p> <p> </p> <p><strong>Theo <em>Reuters</em></strong></p> </div> <p> </p>