Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã và đang phải đối diện với những thách thức ngày càng gia tăng về vấn đề mất đa dạng sinh học. Trong những năm qua, không ít các chính sách, chiến lược quốc gia và hàng loạt dự án, nghiên cứu đã được xây dựng và thực hiện nhằm nỗ lực chặn đứng xu thế này. Thế nhưng, đa dạng sinh học ở Việt Nam vẫn đang không ngừng suy giảm. Hiện tại theo các nghiên cứu, 227 loài thực vật bậc cao có mức độ đe dọa tuyệt chủng toàn cầu được ghi nhận tại Việt Nam đang phải chịu tác động từ 12 mối đe doạ khác nhau, trong đó khai thác, sử dụng tài nguyên sinh học; hoạt động sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản là những mối đe dọa lớn nhất. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản hiện đang gây tác động tiêu cực cho hơn một phần hai trong số 227 loài thực vật kể trên.
Qua sự phân tích các chỉ số đa dạng dạng về loài và đa dạng hệ sinh thái, chủ yếu ở các vườn Quốc gia, khu Bảo tồn thiên nhiên và các khu vực đa dạng sinh học quan trọng, có thể thấy khá rõ sự suy giảm nghiêm trọng của các hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam mà ở đó có sự tác động rất lớn của các lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, thủy sản… Nếu không có chính sách bảo tồn, phát triển, gìn giữ hệ sinh thái nói chung, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật có giá trị. Trong tiến trình xây dựng dự thảo Chiến lược Hành động Quốc gia về Đa dạng sinh học đến 2030, tầm nhìn 2050, việc bảo tồn đa dạng sinh học cần phải được quan tâm đặc biệt.