2 vợ chồng nhập viện cấp cứu sau khi ăn cá nóc

Khoảng 1 giờ sau khi ăn cá nóc, hai vợ chồng ở Quảng Ngãi xuất hiện các triệu chứng choáng, tê đầu lưỡi rồi tê toàn thân, được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ngày 17/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi được cấp cứu và điều trị kịp thời, hiện tình hình sức khỏe của 2 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cá nóc đã tạm thời ổn định.

Được biết, vào chiều 16/9, ông N.H., (SN 1959) cùng vợ là bà L.T.K.H. (SN 1966, cùng trú phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) ăn cá nóc. Khoảng 1 giờ sau, cả hai vợ chồng xuất hiện các triệu chứng choáng, tê đầu lưỡi rồi tê toàn thân, được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu.

2 vợ chồng nhập viện cấp cứu sau khi ăn cá nóc - Ảnh minh hoạ

2 vợ chồng nhập viện cấp cứu sau khi ăn cá nóc - Ảnh minh hoạ

Khi vào viện cấp cứu, ông H. có triệu chứng nặng, trong tình trạng ngừng hô hấp tuần hoàn, hôn mê sâu, ngừng thở nên được chỉ định thở máy, còn bà L.T.K.H có triệu chứng nhẹ hơn, được chỉ định điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm.

Nhờ được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cứu chữa kịp thời nên đến chiều 17/9, sức khỏe của ông N.H. cải thiện, đã tỉnh, tự thở, không tê tay tê chân, các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu, cộng bệnh lý nền về phổi nên bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tích cực. Bà L.T.K.H. sức khỏe đã ổn định.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2024, 5 người trong một gia đình trú tại huyện đảo Lý Sơn cũng bị ngộ độc do ăn cá nóc. Nhờ được các y, bác sĩ Trung tâm Y tế Quân-Dân y kết hợp huyện Lý Sơn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi cứu chữa kịp thời nên cả 5 bệnh nhân may mắn thoát chết.

Ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chất độc tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất là trứng cá nóc. Cơ quan chức năng cảnh báo người dân không nên sử dụng cá nóc khi không nắm rõ cách chế biến loại cá này.

Những lưu ý cần biết khi sơ chế cá nóc

Để phòng ngừa tránh việc bị ngộ độc cá nóc thì có một số nguyên tắc mà bạn cần biết khi sơ chế món ăn này. Cá nóc là loại thực phẩm mang lại nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để tận hưởng những lợi ích này mà không phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc, việc sơ chế cá nóc đúng cách là rất quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý bạn cần biết khi chế biến cá nóc:

Chọn cá nóc có màu sắc tươi sáng, mắt trong và không có mùi khác thường. Tránh mua cá có màu xám hoặc có mùi khó chịu.

Sau khi mua cá, hãy chế biến nhanh chóng để giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn và sản xuất độc tố.

Loại bỏ phần đầu và ruột của cá nóc trước khi chế biến để giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn và chất độc hại có thể tích tụ ở phần này.

Rửa cá nóc kỹ lưỡng dưới nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Sử dụng dao sắc để lấy đi phần da và vảy.

Chế biến cá nóc ở nhiệt độ cao để tiêu diệt vi khuẩn và đảm bảo thịt cá chín đều. Tránh ăn cá nóc sống hoặc chưa chín kỹ.

Bảo quản cá nóc trong tủ lạnh hoặc ngăn đá để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Hãy sử dụng cá nóc trong thời gian ngắn sau khi mua để đảm bảo tươi ngon.

Ngộ độc cá nóc có biểu hiện như thế nào?

Sau khi ngộ độc độc tố tetrodotoxin có trong cá nóc, cơ thể người bắt đầu có những triệu chứng ngộ độc như tê, chảy nước dãi, ngứa ran vùng miệng, buồn nôn và nôn sau khi ăn 10 đến 45 phút. Ngoài một số triệu chứng thường gặp trên thì còn một số triệu chứng khác mà bệnh nhân có thể gặp như:

Mệt mỏi.

Hoa mắt, chóng mặt.

Mất phản xạ.

Hạ huyết áp.

Và dần dần các triệu chứng sẽ chuyển biến nặng hơn sau 4 - 6 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguy cơ cao người bệnh không được cứu chữa kịp có thể bị tê liệt toàn thân, mất ý thức, có suy hô hấp hay thậm chí tử vong.

Độc chất tetrodotoxin có trong cá nóc hấp thụ vào cơ thể sẽ gây ra 4 cấp độ ngộ độc bao gồm:

Ngộ độc cấp 1: Người bị trúng độc sẽ có cảm giác tê miệng, tăng tiết nước bọt, có rối loạn tiêu hóa như buồn nôn và tiêu chảy.

Ngộ độc cấp 2: Bệnh nhân có triệu chứng tê lưỡi, các chi hay một số vị trí khác cũng bị liệt, liệt chức năng vận động của cơ thể. Dần dần người bệnh sẽ có xu hướng nói ngọng, ra nhiều mồ hôi, đau đầu nhưng vẫn đáp ứng phản xạ bình thường.

Ngộ độc cấp 3: Cơ thể bắt đầu có triệu chứng co giật toàn thân, có tình trạng suy hô hấp xuất hiện. Đồng tử mắt giãn ra hết sức, đôi mắt mất dần sự phản xạ với ánh sáng. Bệnh nhân vẫn còn tỉnh.

Ngộ độc cấp 4: Bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy hiểm. Người ngộ độc bị suy hô hấp rất nặng, nhịp tim đập loạn và rơi vào trạng thái hôn mê.

Mặc dù với y học hiện đại, ngộ độc cá nóc có thể xử trí và điều trị phục hồi sau 1 ngày nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, các biện pháp chỉ có tác dụng điều trị hỗ trợ không thể loại các độc tố ra khỏi cơ thể người bệnh.

Theo Đời sống
back to top