<div> <p>UBND Hà Nội vừa giao Thanh tra tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các huyện, tránh để xảy ra tình trạng khai khống lợn mặc bệnh dịch chết để nhận tiền hỗ trợ.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Tiêu huỷ lợn bị bệnh tả lợn châu Phi tại huỵện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Tất Định." src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/13/tieu-huy-lo-n-3207-1572763305.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Tiêu huỷ lợn bị bệnh tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: <em>Tất Định.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp chống dịch, trong đó có cấp bổ sung 1.100 tỷ đồng hỗ trợ các huyện xử lý khắc phục. Tuy nhiên bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp; 180 xã, phường, thị trấn dịch bệnh tái phát trở lại sau 30 ngày.</p> <p>Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến ngày 31/10, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 32.000 hộ chăn nuôi (chiếm 40% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hơn nửa triệu con (chiếm gần 30% tổng đàn) với trọng lượng gần 37.000 tấn. Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy hơn 70.000 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn.</p> <p>Hà Nội có tổng đàn lợn lớn thứ hai cả nước (sau Đồng Nai) với 1,9 triệu con. Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện là hộ chăn nuôi lợn rừng, sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (Long Biên) ngày 24/2.</p> <div>Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 9, bệnh dịch đã xảy ra tại trên 7.700 xã thuộc trên 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là trên 5 triệu con, tổng trọng lượng là trên 290 nghìn tấn (chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thịt lợn của cả nước trong năm). Trong đó, hơn 4.500 xã có lợn bệnh chưa qua 30 ngày; hơn 3.000 xã đã qua 30 ngày; hơn 500 xã có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.</div> <p> </p> </div> <p> </p>