Thông tin được PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải, đưa ra tại Hội thảo khoa học "Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh", do Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 2/10.
Ảnh minh hoạ |
Ngay sau khi trận thảm họa thiên tai xảy ra ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), Viện Ðịa chất đã cử đoàn các nhà khoa học đã đi thực địa, tiếp cận hiện trường để phục vụ nghiên cứu xác định loại hình thiên tai, cơ chế xảy ra, từ đó, đề xuất giải pháp ứng phó trong những năm tiếp theo. Bước đầu xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá.
Theo đó, các nhà khoa học nhận định quá trình sạt trượt diễn ra trong ngày 9/9 và đến ngày 10/9 lũ bùn đá mới diễn ra. Có tới 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách Làng Nủ 3,6km đã dội xuống thôn. Trong quá trình di chuyển, khối đất đá đã bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp chỉ rộng khoảng 100m, cách điểm phát sinh sạt lở khoảng 2km. Vị trí này vô tình tạo thành một đập chắn tự nhiên, làm tăng nguy cơ vỡ lũ. Thời điểm xảy ra lũ, lượng mưa tại khu vực rất lớn, với tổng lượng mưa tích lũy lên tới 633mm, trong đó lượng mưa theo giờ đạt 57mm, khiến khối lũ bùn đá di chuyển cực kỳ nhanh.
"Thông qua việc ứng dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, dòng lũ mất khoảng 5 phút từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng", PGS.TS Nguyễn Châu Lân, cho biết.