Theo các chuyên gia, việc lấy nước sông Hồng làm sạch Hồ Tây và sông Tô Lịch không phải là giải pháp lâu dài, khó mang tính ổn định bởi sông Hồng không có mực nước ổn định…
Bơm nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch
Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 13/8, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho hay, nếu được thành phố chấp thuận, Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm công suất 156.000 m3/h, dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào hồ Tây. Khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua 2 cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông. Đề xuất trên có khái toán kinh phí khoảng 150 tỷ đồng và đang được thành phố xem xét.
Ông Hùng lý giải, nguồn nước từ nước mặt sông Hồng dễ xử lý và tiết kiệm chi phí. Hiện nay TP đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hệ thống tách nước thải ra khỏi dòng sông Tô Lịch. Khi hệ thống xử lý nước thải này hoàn thành, tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch sẽ được giải quyết.
GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết, việc dẫn nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch trước đây đã được nghiên cứu và bàn đến. Nhưng với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, sông Hồng là sông cổ, luôn biến đổi dòng nên dễ bị bồi lấp hoặc xói lở, vì vậy vị trí chọn xây dựng trạm bơm cần ổn định, ít bị thay đổi, tránh việc xây dựng chỉ khoảng 3 năm lại phải thay đổi thì rất tốn chi phí. Mực nước sông Hồng cũng rất bấp bênh, không ổn định. Đầu tư một số tiền lớn như vậy, nếu vì lý do nào đó sông Hồng cũng không còn đủ nước để cung cấp cho hệ thống bơm thì xử lý như thế nào. Hơn nữa, giải quyết ô nhiễm là phải giải quyết tận gốc, xử lý triệt để được ô nhiễm chứ không phải đẩy ô nhiễm chỗ này sang chỗ khác.
"Dẫn nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch không phải là giải pháp bền vững. Vấn đề phải làm sạch bùn thải ở sông Tô Lịch, có dòng dẫn nước thải để xử lý trước khi đổ ra sông. Nếu chỉ lấy nước sông Hồng vào thì sẽ đẩy ô nhiễm xuống sông Nhuệ, từ sông Nhuệ ra sông Đáy rồi trở lại chính sông Hồng thì đầu tư hàng trăm tỉ là lãng phí”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết.
Pha loãng nước thải là không ổn
Bình luận về giải pháp này, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, phương án này chỉ giống như pha loãng nước thải tại vị trí đó và đẩy chất thải xuống hạ lưu. Rồi lại vòng trở lại sông Hồng, bơm vào Tô Lịch, như thế là phí tiền. Gần đây rất nhiều giải pháp làm sạch sông Tô Lịch được đưa ra nhưng không khả thi, và cứ chỉ được vài bữa lại thay đổi, lại đề xuất phương án mới, tốn kém tiền của mà không giải quyết được vấn đề gì.
Theo ông Côn, để dòng chảy sông Tô Lịch ổn định, không ô nhiễm, duy trì khả năng điều hòa sinh học, tự làm sạch thì mức nước sông luôn phải giữ cao từ 1 đến 1,5m. Đồng thời nguồn nước thải ra sông có độ ô nhiễm không vượt quá ngưỡng tự làm sạch thì tự nhiên sông sẽ sống lại. Khi đó nó có thể trở thành đường giao thông, thành nơi ngắm cảnh. Nhưng để làm được như thế thì mấu chốt là vấn đề xử lý nước thải như thế nào chứ không phải là bỏ hàng trăm tỉ đồng ra để đầu tư công nghệ đơn giản là pha loãng nước thải rồi đẩy đi chỗ khác.
“Trước đây, khi hệ thống nhà máy thủy điện chưa nhiều, nước sông Hồng còn dồi dào, phương án bổ cập nước sông Hồng vào Tô Lịch để tạo dòng chảy ổn định là khả thi. Nhưng giờ, có thời điểm mực nước sông Hồng xuống rất thấp, không thể đáp ứng được khối lượng nước khổng lồ mỗi ngày đổ vào sông Tô Lịch được. Để giải quyết tận gốc thì phải xử lý được nước thải trước khi đổ ra sông chứ không phải đầu tư công nghệ kiểu “bấp bênh” như hiện nay”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Bảo Khánh