<div> <p>Báo cáo mới nhất về tình hình 12 dự án chậm tiến độ và kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương mà Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa uỷ quyền Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội khóa XIV ghi nhận những chuyển biến tích cực về tình hình sản xuất, kinh doanh của một số dự án cũng như mức giảm đáng kể về dư nợ vốn vay ngân hàng.</p> <p>Bản báo cáo cập nhật số liệu đến ngày 30.6.2019 cho thấy, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án nói trên với tổng dư nợ cho vay là 20.063 tỉ đồng, trong đó chiếm đến 82% là các khoản vay trung dài hạn, tương đương 16.413 tỉ đồng. So với dư nợ vay thời điểm ngày 31.3.2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, các doanh nghiệp và dự án giảm được 373 tỉ đồng nợ vay và chủ yếu do một số ngân hàng thu hồi nợ trung hạn đối với các khoản cho vay dự án Nhà máy thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa, đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai.</p> <p>Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc các ngân hàng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, qua đó góp phần hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và trả nợ các khoản vay cũng là yếu tố giúp dư nợ cấp tín dụng dài hạn tại các dự án, doanh nghiệp liên tục có xu hướng giảm trong thời gian qua. Cụ thể, dư nợ tín dụng trung dài hạn đến ngày 31.8.2018 từng được ghi nhận ở con số 17.267 tỉ đồng giảm mạnh xuống còn 16.413 tỉ đồng vào thời điểm ngày 30.6.2019.</p> <p>Ngược lại về phía các ngân hàng cho vay, dù đa số các dự án, doanh nghiệp đều được các ngân hàng và tổ chức tín dụng tái cơ cấu thời gian trả nợ, điều chỉnh số tiền trả nợ mỗi kỳ cũng như điều chỉnh lãi suất cấp tín dụng đối với các khoản vay cả ngắn hạn, trung và dài hạn, một phần rất lớn các khoản vay của 12 dự án và doanh nghiệp nói trên đang bị chuyển thành nợ xấu và chủ yếu là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn theo phân loại của Ngân hàng Nhà nước).</p> <p>Các số liệu trong Báo cáo số 188 về tình hình xử lý tồn tại, yếu kếm của các dự án nói trên được Chính phủ gửi tới các Đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng cho thấy, chỉ tính đến cuối tháng 10.2018, tổng số nợ xấu phát sinh trong hoạt động cho vay tại 12 đơn vị nêu trên lên tới 8.896 tỉ đồng. Do số dư nợ xấu chủ yếu là nợ nhóm 5, các ngân hàng không những phải đối mặt với nguy cơ mất vốn tiềm tàng mà còn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hàng nghìn tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận ngân hàng. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, tính đến ngày 31.10.2018, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tới 5.619 tỉ đồng đối với các khoản cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp trên.</p> <p>Trong số 18 ngân hàng và công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án tồn tại và yếu kém, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay tới 7 dự án thuộc 6 chủ đầu tư với tổng số vốn giải ngân 14.665 tỉ đồng và gần 2,6 triệu USD. Cho đến hết năm 2018, số dư nợ gốc của VDB tại các dự án nói trên vẫn còn tới 9.995 tỉ đồng và hơn 1,39 triệu USD. Đáng chú ý, tổng số lãi phát sinh đến thời điểm cuối năm 2018 được ghi nhận ở con số trên 3.020 tỉ đồng.</p> <div> <p><strong>Ngân hàng thu 10 phần, chỉ cho vay lại 9 phần</strong></p> <p>Theo Bộ Công Thương, một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang tiếp tục gặp phải khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức “thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần” sau mỗi chu kỳ sản xuất, dẫn đến khó khăn, thiếu hụt vốn sản xuất của dự án; giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phâ<a href="https://laodong.vn/thoi-su/12-dai-du-an-cong-thuong-bet-bat-ngan-hang-om-gan-9000-ti-dong-no-xau-771809.ldo">n bón tăng cao.</a></p> <p> </p> </div> </div> <p> </p>