Động đất mạnh nhất trong 10 năm
Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đến 16h ngày 28/7 đã xảy ra thêm 6 trận động đất với độ lớn 2,7-4,8 độ, tâm chấn đều ở Mộc Châu, Sơn La, độ sâu 8-12 km. Đây đều là dư chấn của trận động đất mạnh 5,3 độ richter ngày 27/7. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Trước đó, ngày 27/7 cũng tại Mộc Châu đã xảy ra liên tiếp 3 trận động đất vào lúc 12h14, 12h20 và 12h39 có độ lớn lần lượt là 5,3, 3,0 và 3,0. Vào lúc 15h52 ngày 27/7, trận động đất có độ lớn 3,8 xảy ra tại vị trí có tọa độ 20.93 độ vĩ Bắc, 104.66 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12km. Tiếp đó, đến 16h17 một trận động đất có độ lớn 3,3 xảy ra tại vị trí có tọa độ 20.925 độ vĩ Bắc, 104.680 độ kinh Đông, độ sâu chấn tâm khoảng 8,6km.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, trận động đất có độ lớn 5,3 xảy ra tại Mộc Châu, Sơn La đã làm trụ sở của UBND xã Nà Mường, UBND xã Tà Lại, xã Lóng Sập bị lún, nứt tường, rơi vỡ nhiều mảng trát, cháy nổ một số hệ thống điện. Hai nhà văn hóa ở xã Tân Hợp và xã Tà Lài, hai trạm y tế xã Tà Lài và xã Quý Hướng, trường mầm non bản Tầm Phế (xã Tân Hợp) bị sập trần nhựa, lún, nứt tường. Có 127 nhà dân bị lún, nứt tường, vỡ ngói, sập trần nhựa và một ôtô đậu ven đường bị đá rơi bẹp cabin.
Trận động đất khiến nhiều khu vực ở Hà Nội rung chấn, cảm nhận rõ rung lắc đặc biệt là ở những khu nhà cao tầng. Trước tình hình trên, Thủ tướng có công điện về việc khẩn trương khắc phục hậu quả động đất và gửi lời hỏi thăm đến chính quyền và nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi động đất.
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, trận động đất vừa xảy ra ở Sơn La được xem là trận động đất mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ở cường độ này, khu vực mặt đất ở vị trí chấn tâm có thể có rung động nền lên tới cấp 8 - cấp 9. Các khu vực lân cận sẽ cảm nhận được, nhất là những người ở nhà cao tầng, hay vùng đất yếu.
Sẽ còn xảy ra động đất mạnh ở Sơn La
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực huyện Mộc Châu (Sơn La) nằm trên đới đứt gãy sông Đà đang hoạt động địa chất diễn ra tương đối mạnh. Dự báo trong tương lai, khu vực này còn xuất hiện trận động đất mạnh với cường độ lên tới 5,5 độ richter. Theo Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm đến nay, khu vực Tây Bắc xảy ra nhiều trận động đất. Đây là hiện tượng bình thường vì các tỉnh miền núi nằm trong khu vực có khả năng xảy ra địa chấn.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, Viện Vật lý Địa cầu, dư chấn của động đất có thể lan truyền đi xa, theo đó, nhiều khu vực ở Hà Nội cũng cảm nhận được rung lắc khi người dân ở trên các tòa nhà cao tầng. Mức độ cảm nhận độ rung lắc hay còn gọi là rung động nền phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền đất, khoảng cách đến tâm chấn và chất lượng công trình... Để đánh giá các rung động nền này thì cần phải có thiết bị đo đạc. Công trình nào ở nền đất cứng không có cộng hưởng rung chấn từ động đất thì người dân ít cảm nhận được rung lắc. Công trình ở khu vực có nền đất yếu hơn thì có cộng hưởng rung chấn từ động đất nên cảm nhận sự rung lắc sẽ rõ hơn.
Thời gian gần đây một số khu vực như Thừa Thiên - Huế, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng... đã xảy ra động đất, sụt lún. Các khu vực phía Bắc của Việt Nam có nguy cơ xảy ra địa chấn từ mức thấp đến mức vừa phải. Khu vực này có một số hệ thống phay (geologic fault) đứt gãy xung quanh khu vực sông Hồng, sông Mã và khu vực Lai Châu - Điện Biên. Những đường đứt đoạn này có thể có chiều dài vài trăm kilômét và tốc độ trượt trong khoảng từ 0,5 - 2mm mỗi năm. Với các phay địa chất có chiều dài như vậy, các khu vực phía Bắc có khả năng xảy ra các trận động đất với cấp độ 5,7 - 7 richter.