<div> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="11 thượng nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố lật kèo bầu cử - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/01/03/icdn-dantri-com-vn_ted-1609630597302.jpg" title="11 thượng nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố lật kèo bầu cử - 1" /> <figcaption>Tổng thống Donald Trump và thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz (Ảnh: Getty)</figcaption> </figure> <p>Theo Guardian, trong một tuyên bố chung phát đi ngày 2/1, 11 thượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ đắc cử do ông Ted Cruz dẫn đầu cho biết họ có kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn và đề nghị một ủy ban bầu cử tiền hành "thanh tra khẩn cấp trong 10 ngày" kết quả bầu cử ở những bang gây tranh cãi.</p> <p>Nhóm nghị sĩ trên gồm: thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz, thượng nghị sĩ bang Wisconsin Ron Johnson, thượng nghị sĩ bang Oklahoma James Lankford, thượng nghị sĩ Montana Steve Daines, thượng nghị sĩ Louisiana John Kennedy, thượng nghị sĩ Tennessee Marsha Blackburn, thượng nghị sĩ Indiana Mike Braunt và thượng nghị sĩ đắc cử bang Wyoming Cynthia Lummis, thượng nghị sĩ đắc cử bang Kansas Roger Marshall, thượng nghị sĩ đắc cử bang Tennessee Bill Hagerty, thượng nghị sĩ đắc cử bang Alabama Tommy Tuberville.</p> <p>Trong thông cáo chung, các nghị sĩ này nhấn mạnh: "Một cuộc thanh tra công bằng, đáng tin cậy được tiến hành khẩn trương và hoàn tất trước ngày 20/1 sẽ cải thiện đáng kể niềm tin của người Mỹ vào tiến trình bầu cử và sẽ nâng cao đáng kể tính hợp pháp của bất cứ ai trở thành tổng thống tiếp theo của chúng ta".</p> <p>Họ cũng nhấn mạnh thêm rằng, cuộc biểu quyết của quốc hội vào ngày 6/1 tới là thẩm quyền còn lại duy nhất để xem xét và buộc giải quyết nhiều cáo buộc gian lận bầu cử nghiêm trọng.</p> <p>Trong thông cáo trên, họ không nêu cụ thể họ định phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở bang nào, nhưng trước đó, ông Josh Hawley, thượng nghị sĩ đầu tiên tuyên bố phản đối kết quả bầu cử, phát tín hiệu rằng ông sẽ thách thức kết quả tại ít nhất một bang là Pennsylvania.</p> <p>Tuyên bố trên của 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa được đưa ra trong bối cảnh truyền thông Mỹ dẫn lời hai hạ nghị sĩ Cộng hòa cho biết họ kỳ vọng có ít nhất 140 thành viên Hạ viện sẽ bỏ phiếu phản đối kết quả bầu cử. Lật ngược kết quả bầu cử tại phiên họp quốc hội ngày 6/1 tới được coi là nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Donald Trump và các đồng minh nhằm vô hiệu hóa chiến thắng của ứng viên Dân chủ Joe Biden. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nỗ lực này khó thành công và chỉ có thể làm trì hoãn việc xác nhận tổng thống đắc cử thêm vài giờ.</p> <p>Các lãnh đạo Thượng viện Mỹ đã chỉ trích kế hoạch này của các thành viên nghị viện. Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer hôm qua khẳng định: "Ông Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ là tổng thống và phó tổng thống Mỹ trong 18 ngày nữa". Mike Gwin, người phát ngôn cho đội ngũ chuyển giao của ông Biden, cũng nói rằng kế hoạch của các nghị sĩ Cộng hòa sẽ không thay đổi được một thực tế rằng "Tổng thống đắc cử Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1".</p> <p>Tổng thống Trump và đồng minh đến nay vẫn chưa công nhận kết quả bầu cử. Theo kết quả bỏ phiếu đại cử tri hôm 14/12, ông Biden giành chiến thắng với 306 phiếu, trong khi ông Trump giành 232 phiếu. Ông Trump và đồng minh tuyên bố tiếp tục theo đuổi các vụ kiện để đảo ngược kết quả bầu cử. Tuần trước, hạ nghị sĩ Cộng hòa Louie Gohmert thậm chí đã đệ đơn kiện buộc Phó tổng thống Mike Pence bác kết quả bầu cử ở một số bang khi ông chủ trì cuộc họp quốc hội vào ngày 6/1 tới. Tuy nhiên, đơn kiện đã bị thẩm phán liên bang bác bỏ hôm 1/1.</p> <p><strong>Minh Phương</strong><br /> Theo <em>Guardian</em></p> </div> <p> </p>