Khối u tụ máu khó mổ vì máu không đông
Theo BSCKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (1984, Vĩnh Long) có thời gian nằm viện dài nhất, nhiều lần mổ nhất và chi phí điều trị nhiều nhất. Dự kiến ngày 15/4/2021, bệnh nhân sẽ được ra viện.
1/3 hồ sơ bệnh án của bệnh nhân bị máu khó đông điều trị 11 năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. |
TS.BS Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán xác định (Hemophilia) thể nặng nghĩa là nồng độ yếu tố đông máu VIII dưới 10%, do đó, rất dễ chảy máu dù bất kỳ một va chạm nhỏ nào.
Năm 2003, trong một lần chèo xuồng tắm sông, sườn trái Nghiêm đập mạnh vào be xuồng, đau nhói. Các cơn đau âm ỉ, rồi sưng tấy, bầm tím kéo dài không dứt, tạo nên khối máu tụ lớn ở bên trái. 2010, lần đầu tiên Khoa Huyết học đã tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng khối u máu và gây đau nhiều.
Vào thời điểm đó, các sản phẩm máu điều trị, đặc biệt là yếu tố 8 đông khô, hoặc yếu tố 8 tái tổ hợp rất hiếm.
Khối u bị hoại tử mà có lúc các bác sĩ không thể làm gì ngoài truyền chế phẩm máu như kết tủa lạnh để giữ mạng sống cho bệnh nhân. |
Có những lần hội chẩn đi vào bế tắc, không thể phẫu thuật vì không đảm bảo được các thuốc hiếm để cầm máu. Nhưng càng ngày khối u càng lớn. Đường kính khối u là 20*12*12cm và nặng khoảng 3kg. Các bác sĩ chỉ có thể ứng dụng xạ trị để giúp khối u nhỏ lại, nhưng khối u lại to ra.
Đến năm 2014, bệnh nhân nhập viện vì bề mặt khối u bị nhiễm trùng, hoại tử như tổ ong, rỉ dịch và chảy máu liên tục. TS.DS Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh viện đã vận dụng nhiều sự quen biết trong và ngoài nước để tìm cách đưa thuốc, yếu tố đông máu VIII.
25 lần mổ đại phẫu
Bệnh nhân bị khối u tụ máu gây hư xương cột sống, hủy xương vùng chậu và đùi. Khối u bám dính chặt vào các cơ quan ổ bụng. Các bác sĩ sau khi đã chuẩn bị đủ cơ số yếu tố đông máu VIII, bệnh nhân đã được mổ để nạo vét 2.500g khối hoại tử, tạo nên một cái hốc ăn sâu trên lưng trái.
Bệnh nhân đã được mổ 25 lần vì các mô hoại tử. Lúc nào cũng phải là đại phẫu.
Các bác sĩ đã táo bạo quyết định dùng kỹ thuật hút áp lực âm có điều chỉnh và giám sát để làm sạch vết thương. |
Nhưng làm sao để giúp bệnh nhân lành thương. Ghép da hay may da cũng bị bung ra hết vì dịch vẫn còn tụ trong hốc, hoại tử vẫn còn.
Theo TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật Tạo hình, các bác sĩ đã ứng dụng kỹ thuật VAC (hút áp lực âm) để lấy dịch. Nhưng đây là phương pháp vốn chống chỉ định đối với bệnh nhân bị chảy máu. Vì vậy, phải bắt đầu điều chỉnh VAC để hút dịch với áp lực tương tự áp lực mao mạch tự nhiên là 32 - 40mmHg.
Những ngày đầu tiên chạy VAC, TS.BS Ngô Đức Hiệp đã phải đứng 24/24 để theo dõi và điều chỉnh thiết bị hút dịch nhằm giảm thiểu chảy máu cho bệnh nhân. Song song đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nạo sạch hoại tử xương, dùng các dịch và gạc hút dịch, giúp vết thương mạn tính khô sạch mau lành hơn.
ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội, hết sức đắn đo, trăn trở... lúc mới vào viện, bệnh nhân có bảo hiểm nhưng chỉ được thanh toán 80%. Vì vậy, khoảng 20% cũng là một khoản tiền lớn đối với bệnh nhân.
Sau nhiều lần đề xuất, một số cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương như Vĩnh Long đã chuyển đổi thẻ bảo hiểm từ hộ gia đình sang thẻ bảo hiểm hỗ trợ. Nhờ đó, các bệnh nhân phải điều trị bệnh máu khó đông như vậy đã được bảo hiểm y tế hỗ trợ gần như tối đa.