<div> <p>Từ ngày 10-3, nhiều người dùng Facebook đã có những status (dòng trạng thái) chia sẻ với ba hashtag (thẻ dữ liệu) bắt đầu bằng ba chữ A: là <span>#autism</span>, <span>#awareness</span>, <span>#a365</span>.</p> <p>Ý nghĩa ba chữ A là: Autism (chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi nhưng có thể can thiệp tiến bộ), Awareness (nhận thức là điều quan trọng, phát hiện sớm và can thiệp đúng sẽ làm thay đổi cuộc đời người tự kỷ) và A365 (chương trình hướng dẫn cha mẹ hoàn toàn miễn phí trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ tại nhà và tại cộng đồng tại trang mạng a365.vn).</p> <p align="center"><img alt="100.000 chữ A ủng hộ tự kỷ trên Facebook ý nghĩa ra sao? - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/04/14/image-plo-vn_tu-ky2_afzr.jpg" /><em class="image_caption" style="display: inline !important;">Mạng lưới tự kỷ Việt Nam thông báo về việc gom 100.000 chữ A. Ảnh: VAN</em></p> <p>Bên cạnh đó, thông tin người dùng Facebook cũng chia sẻ chương trình này do <span>Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam</span> (VAN) phát động từ ngày 10-3. Nếu gom đủ <span>100.000 chữ A</span> nhà tài trợ Grand Challenges Canada (GCC) sẽ thông qua A365 tặng 200 triệu đồng để tổ chức các khóa tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ.</p> <p>Tuy nhiên, như nhiều thông tin được chia sẻ trên Facebook, nhiều người tỏ ý hoài nghi khả năng thật của thông tin gom 100.000 chữ A lần này nhất là khi sự chia sẻ liên quan đến một gói hỗ trợ tài chính.</p> <p>Để câu chuyện được rõ ràng, <i>PLO</i> đã liên lạc với chị Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN), về vấn đề này.</p> <p align="center"><img alt="100.000 chữ A ủng hộ tự kỷ trên Facebook ý nghĩa ra sao? - ảnh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/04/14/image-plo-vn_tu-ky3_drxd.jpg" /><em class="image_caption" style="display: inline !important;">VAN và A365 tổ chức hội thảo ở Nam Định nhân kỷ niệm hai năm thành lập Câu lạc bộ gia đình <span>trẻ tự kỷ</span> Nam Định vào 7-2019. Ảnh: VAN</em></p> <p>Chị Phạm Thị Kim Tâm, cho biết: “Nguồn kinh phí 200 triệu đồng GCC đã có sẵn để hỗ trợ cho hoạt động của VAN thông qua Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), tức A365. A365 sẽ chịu trách nhiệm thống kê lượng chữ A.</p> <p>Đây là trung tâm hoạt động nhiều lĩnh vực và chúng tôi đã từng hợp tác một số dự án liên quan đến tự kỷ. Mục đích chính của việc chia sẻ 100.000 chữ A lần này là truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng chứ không có gì liên quan nhà tài trợ. Thật sự từ ban đầu khi chia sẻ thông tin vào ngày 10-3, chúng tôi không nhắc đến nhà tài trợ và nhà tài trợ cũng không yêu cầu điều đó. Tuy nhiên, sau một thời gian đăng tải, nhiều người lại nghi ngờ tính xác thực của đơn vị tổ chức, nhà tài trợ… nên chúng tôi mới phải ghi rõ”.</p> <p>Theo lời chị Phạm Thị Kim Tâm, Mạng lưới tự kỷ Việt Nam không nhận trực tiếp số tiền từ nhà tài trợ mà sẽ là nơi thực hiện chương trình để sử dụng số tiền đó. A365 sẽ là đơn vị chi tiền cũng như báo cáo với nhà tài trợ.</p> <p>“Trong 200 triệu được tài trợ lần này dùng để hướng dẫn tập huấn cho phụ huynh, mở rộng mạng lưới tự kỷ ở các tỉnh thành… thông qua việc thực hiện video, mời chuyên gia tập huấn, thậm chí các chi phí hậu cần tổ chức cho việc tập huấn ở địa phương.</p> <p>Bên cạnh đó, một phần tiền hỗ trợ sẽ được dùng cho việc đầu tư ứng dụng (app) A365 nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn trực tuyến… cho phụ huynh.</p> <p>Chúng tôi vận hành VAN và thực hiện các chương trình theo mô hình từng gói tài trợ, chứ từ trước đến nay phụ huynh đến với VAN chưa bao giờ phải đóng góp bất cứ chi phí gì. Nhiều năm hoạt động của VAN chúng tôi từng gặp rất nhiều dư luận lùm xùm, và thực tế một việc làm chẳng thể có đồng thuận tất cả bao giờ, nhưng mình vẫn cứ phải làm thôi”, chị Phạm Thị Kim Tâm chia sẻ.</p> </div> <p> </p>