Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc. |
1. Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
Ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngay từ đầu năm 2022, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".
Bộ VHTT&DL cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025).
Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL được phân công theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ) giai đoạn 2023 - 2025.
2. Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh năm 2022
Ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009 sau 13 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022
Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 6 chương 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Đây là một trong những dự án Luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và dư luận. Có nhiều điểm mới tích cực của Luật (sửa đổi) như đã thiết lập các chính sách, quy định bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Luật 2022 cũng đổi mới cách tiếp cận khi xây dựng chính sách.
Nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm. |
4. Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp
Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm gốm bằng tay thông qua việc sử dụng các công cụ đơn giản. Điều đặc biệt của di sản là người thực hành chủ yếu là phụ nữ dân tộc Chăm, với các kiến thức và kỹ năng thủ công được truyền tải trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thông qua truyền miệng và thực hành hằng ngày.
5. Di sản tư liệu "Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn" và "Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)" được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Vào lúc 12h30 ngày 26/11 giờ địa phương (tức 10h30 ngày 26/11 giờ Việt Nam), tại TP. Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO họp lần thứ 9, đã thông qua 2 hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kim ấn "Hoàng đế chi bảo". |
6. Đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn "Hoàng đế chi bảo"
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), được vua Bảo Đại khi thoái vị, chọn cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại để bàn giao cho chính quyền cách mạng ngày 30/8/1945.
Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã xây dựng phương án "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", xin ý kiến các Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.
7. Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI
Liên hoan do Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức với chủ đề "Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển", diễn ra từ ngày 8 đến 12/11/2022 tại Hà Nội. Liên hoan có sự tham gia của hơn 800 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc của các nước Anh, Mỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Hungary, Thụy Sĩ, Argentina, Mexico…
8. Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31
Mặc dù quá trình chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 diễn ra trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covdi-19 cũng như tình hình thế giới biến động phức tạp, song với nỗ lực không ngừng và sự phối hợp đồng bộ, trên tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Việt Nam đã hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 trong một thời gian ngắn, trên tinh thần triệt để tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo sự trọng thị, chu đáo, phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. |
9. Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vượt qua vòng loại để tham dự World Cup 2023
Ngoài việc bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng tại SEA Games 31, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam còn gây được tiếng vang lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử giành tấm vé chính thức tham dự Vòng chung kết World Cup 2023.
10. Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022
Với việc mở cửa này, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực.