10 phát ngôn chú ý về SGK độc quyền, lãng phí nghìn tỷ đồng/năm
Nhân Lê - Nguyễn Sương
Hàng năm, người dân chi hơn nghìn tỷ đồng mua sách giáo khoa (SGK) dùng một lần. Ở Việt Nam, SGK độc quyền và gây lãng phí nhiều năm qua.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều đại biểu bức xúc việc lãng phí SGK vì sử dụng một lần. Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội - thông tin trung bình mỗi năm, người dân chi 1.000 tỷ đồng để mua SGK nhưng chỉ sử dụng một lần do viết bài tập vào sách, không thể tái sử dụng.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - đề xuất, SGK không nên có phần bài tập chung để dùng được trong nhiều năm. NXB Giáo dục Việt Nam nên thay đổi phần này.
Tuy nhiên, trái với bức xúc của phụ huynh, đại biểu Quốc hội, trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sách sử dụng một lần chỉ là sách bài tập, sách tham khảo, Bộ GD&ĐT không khuyến khích loại sách này.SGK vẫn được luân chuyển để thế hệ sau sử dụng.
Theo TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nước ta đang có tình trạng độc quyền về SGK. Người dân phải gánh chi phí hoa hồng mà cũng không có cơ hội lựa chọn, giá nào cũng phải mua.
Trước tình trạng SGK sử dụng một lần, gây lãng phí nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh lo lắng của cử tri về việc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng Chính phủ cần có đánh giá có lợi ích nhóm trong ban hành sách giáo khoa hay không.
TS Lê Viết Khuyến khẳng định Bộ GD&ĐT chỉ đạo soạn thảo chương trình, thành lập ban soạn thảo, sau đó lại quyết định thông qua. Nếu Bộ GD&ĐT vẫn muốn "ôm" mọi quyền quyết định, sẽ có người đổ xô để lấy lòng. Tất cả dễ dẫn đến tiêu cực.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng không đồng tình với việc thực hiện một chương trình, một bộ SGK như hiện tại. Theo ông, xu thế của thế giới là một chương trình, nhiều bộ SGK,. Nước ta từng có nhiều SGK. Tất nhiên, một chương trình nhiều SGK cũng có phức tạp nhưng không phải vì thế mà không làm.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Kanazawa (Nhật Bản) - cho rằng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nếu được vận dụng tốt với cơ chế minh bạch, công khai, sẽ đem lại nhiều cái lợi. Nó giúp tiết kiệm chi phí của Nhà nước, tránh tham ô, tham nhũng, trục lợi, kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam không trả lời về lãng phí SGK là né tránh. Trách nhiệm của bộ và NXB là phải trả lời dư luận về chủ trương thiết kế SGK có bài tập hay sẽ sửa đổi để tránh lãng phí.
Trước những băn khoăn về SGK gây lãng phí, ông Nguyễn Xuân Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - cho biết sẽ có phương án để bảo đảm SGK mới có chất lượng tốt, được đông đảo học sinh lựa chọn.Hoạt động dạy học hiện nay không còn quá lệ thuộc sách giáo khoa. Do đó, sẽ không xảy ra tình trạng muốn "an toàn" hay làm "đẹp lòng" Bộ GD&ĐT mà phải chọn SGK do bộ chủ trì biên soạn.