<div> <figure class="tkpNoEdit"> <p style="text-align: justify;"><img alt="F685D417-8825-4A71-8BF7-59F26CAFDFA5." src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/10/media-phapluatplus-vn_f685d417-8825-4a71-8bf7-59f26cafdfa5-1225.jpeg" /></p> <figcaption> <h2><span style="font-size:16px;"><em>Đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. (Ảnh tư liệu - báo Đại đoàn kết)</em></span></h2> <p> </p> </figcaption> <p> </p> </figure> <p style="text-align: center;"> </p> <p style="text-align: justify;"><br /> Theo quyết nghị ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh trưởng Sư đoàn Quân Tiên phong 308, làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Từ sáng 8/10/1954, theo kế hoạch đã định, các đơn vị quân đội chia thành nhiều đường tiến vào ngoại thành, đến 16 giờ 30 phút thì tới đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân. Bộ đội ta đã tiếp quản ga Hàng Cỏ, Phủ toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm, Bắc Bộ Phủ...</p> <p style="text-align: justify;">Đúng 16h30 ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. 5 giờ ngày 10/10/1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố... kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu qua. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu.</p> <figure class="tkpNoEdit"> <p style="text-align: justify;"><img alt="1A7AC85D-BCD9-4BE8-86E2-FB052170B015." src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/10/media-phapluatplus-vn_1a7ac85d-bcd9-4be8-86e2-fb052170b015-1217.jpeg" /></p> <figcaption> <h2><span style="font-size:16px;"><em>Bác sỹ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội trong đội ngũ tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. (Ảnh tư liệu - báo Tin tức)</em></span></h2> <p> </p> </figcaption> <p> </p> </figure> <p style="text-align: center;"> </p> <p style="text-align: justify;">8 giờ, cánh quân phía tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, do trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, Anh hùng quân đội, dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào cửa Đông TP Hà Nội. 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá, đi qua Bạch Mai, phố Huế, diễu binh qua hồ Gươm, rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay) và khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị ngày nay). 9 giờ 30 phút, đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Huế, đến bờ hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút. Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt thành phố biến đổi đến đó. Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng thu.</p> <p style="text-align: justify;">Nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, băng, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà. Theo lời kể của Trung tướng Phạm Hồng Cư, chiều 10/10/1954, lễ chào cờ lịch sử đã diễn ra tại sân vận động Cột Cờ (nay là Hoàng thành Thăng Long). Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304).</p> <figure class="tkpNoEdit"> <p style="text-align: justify;"><img alt="1A7AC0D6-8C9E-470D-AAFC-45C822959080." src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/10/media-phapluatplus-vn_1a7ac0d6-8c9e-470d-aafc-45c822959080-1222.jpeg" /></p> <figcaption> <h2><em><span style="font-size:16px;">Lá cờ đỏ sao vàng chính thức được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. (Ảnh tư liệu báo Hà Nội mới)</span></em></h2> </figcaption> </figure> <p style="text-align: justify;"><span>Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong, vòng ngoài, chật kín cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ).</span></p> <p style="text-align: justify;">Đúng 15 giờ, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn thành phố hướng về Cột cờ thành Hoàng Diệu. Chủ trì lễ chào cờ là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sỹ Trần Duy Hưng. Mọi người trang nghiêm, tự hào nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ... Đó là giây phút hạnh phúc tuyệt vời với người dân Thủ đô, thời khắc Hà Nội chính thức đón nhận cuộc sống thanh bình trở lại sau 9 năm kháng chiến gian khổ với biết bao mất mát, hy sinh...</p> <p style="text-align: justify;">Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử trọng đại của cả nước, của toàn dân tộc Việt Nam. Đây là bước ngoặt mở ra thời kỳ hòa bình và phát triển của Thủ đô, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ và sau này là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa số 1 của đất nước.</p> <p> </p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>