TP. HCM tham vọng đưa diện tích nhà ở đạt 26,5m2/người vào năm 2030

Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới tại TP. HCM đạt 50 triệu m2. Đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người. Năm 2030 đạt bình quân 26,5m2/người.

Đây là ý kiến của Thành ủy TP. HCM nếu trong nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP. HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025. Dự kiến đến năm 2030, tổng diện tích nhà ở của thành phố đạt được 295 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân là 26,5m2/người.

Theo điều tra dân số và nhà ở, đầu năm 2020, TP. HCM có khoảng 1,92 triệu căn nhà. Trong đó, nhà ở riêng lẻ chiếm hơn 88%, còn lại là căn hộ chung cư.

Mật độ nhà ở trung bình là 913 căn/km2. Thấp nhất tại huyện Cần Giờ là 29 căn/km2, cao nhất tại Quận 4 với 10.894 căn/km2. Trong đó, còn 13.770 căn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ.

Một thống kê cho thấy, thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình.

Như vậy, nhu cầu nhà ở của người dân thành phố là rất lớn, và tăng thêm mỗi năm 200.000 người, chủ yếu là tăng cơ học.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ở TP. HCM, tính đến tháng 6/2021, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,65 m²/người và sẽ phấn đấu nâng lên 21,04 m²/người vào cuối năm 2021.

Như vậy, diện tích nhà ở bình quân của thành phố là khá thấp so với mức chung của cả nước.

Một thống kê khác của Bộ cho thấy, số lượng nhà ở diện tích từ 60 – 80m2 chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 22%. Số hộ có nhà ở dưới 25m2 chiếm khoảng 8%, số hộ có nhà ở diện tích hơn 100 m2 tại đô thị chiếm 30%.

Điều này cho thấy, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặt ra thách thức cho mục tiêu tăng diện tích ở bình quân mà vẫn bảo đảm được diện tích sống tối thiểu phù hợp cho mọi người dân.

Thực tế phản ánh, diện tích nhà ở bình quân không ngừng tăng lên nhưng không hoàn toàn tỷ lệ thuận với 2 chỉ số quan trọng khác là số người (số hộ) có nhà ở và diện tích nhà ở của người nghèo (người có thu nhập thấp).

Về định hướng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, đối với khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, 3), TP. HCM phát triển nhà ở riêng lẻ theo quy hoạch, thiết kế đô thị. Đồng thời, đơn giản hóa việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ để người dân cải thiện chỗ ở, nâng cao mức sống và thu nhập.

Đặc biệt, thành phố khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội tại khu vực nội thành phát triển (gồm quận 7, Bình Tân, TP Thủ Đức).

Theo Đời sống
back to top