Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản với nhiều điểm mới

Sáng 29/11, với 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 29/11, 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.
Quoc hoi thong qua Luat Dia chat va khoang san voi nhieu diem moi
Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: Phạm Thắng.

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy, cho biết, một số ý kiến đề nghị gộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực của Nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên khác nhau về cơ chế xác định, việc thu, nộp và không trùng lặp thủ tục hành chính. Quy định tiền cấp quyền đối với tài nguyên khoáng sản thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp bỏ quy định thu tiền cấp quyền thì không có cơ sở tính giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Do vậy, dự thảo luật tiếp tục quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và không gộp với thuế tài nguyên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục nộp thuế, tiền cấp quyền để bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

Luật Địa chất và khoáng sản vừa thông qua cũng quy định, mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực.

Quoc hoi thong qua Luat Dia chat va khoang san voi nhieu diem moi-Hinh-2
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo giải trình. Ảnh: Phạm Thắng.

Báo cáo trước Quốc hội, ông Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định đối với trường hợp tổ chức được cấp vượt quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến số lượng giấy phép thăm dò đối với khoáng sản năng lượng (than) cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã bổ sung quy định trường hợp cấp quá 5 giấy phép cho cùng 1 tổ chức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.

Về giấy phép khai thác khoáng sản, ông Huy phản ánh, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.

Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường đã lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.
Theo Đời sống
back to top