Ngậm kẹo trị ho, bệnh nhi 14 tuổi sốc phản vệ nặng: Phòng tránh sao?

Sốc phản vệ thường xảy ra bất ngờ và có rất nhiều nguyên nhân gây ra, nặng nhanh và có thể tử vong nên cần biết cách xử lý kịp thời.

Ngày 4/4, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho biết, đã tiếp nhận và cấp cứu thành công cho bệnh nhân K.V.H (14 tuổi) được chẩn đoán phản vệ mức độ nặng do thuốc ngậm dạng kẹo mua ở nhà thuốc.

Ca trực cấp cứu hôm qua cho biết, bệnh nhân K.V.H nhập viện trong tình trạng phù mắt, môi, sẩn ngứa toàn thân giờ thứ 3.

Theo lời bệnh nhân và người nhà kể, khoảng 2,5 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đã ngậm 1 viên thuốc ngậm ho dạng kẹo mua ở nhà thuốc, sau đó xuất hiện phù mắt, phù môi, sẩn ngứa toàn thân.

Người nhà đã cho bệnh nhân uống thuốc chống dị ứng nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn vì thế sau đó đã đưa bệnh nhân K.V.H đến viện Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai.

Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân tỉnh và tiếp xúc được, trên da toàn thân nổi nhiều ban sẩn dạng phù, đỏ, ngứa nhiều, tình trạng nuốt vướng. Ngứa nghẹn ở cổ, cảm giác khó thở và đã bắt đầu xuất hiện phù Quincke (phù mạch) một biến chứng nguy hiểm của phản vệ, bệnh nhân có thể sẽ rơi vào trạng thái nguy kịch trong giây lát.

Ngậm kẹo trị ho, bệnh nhi 14 tuổi sốc phản vệ nặng

Ngậm kẹo trị ho, bệnh nhi 14 tuổi sốc phản vệ nặng

Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, các bác sĩ đã khẩn trương áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ mà trong đó chủ yếu là Adrenalin, ủ ấm, bù dịch cho người bệnh thở oxy... Hiện tại, sau hơn 12h điều trị tích cực bệnh nhân đã ổn định và có thể ra viện trong một hai ngày tới.

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ thường xảy ra bất ngờ và có rất nhiều nguyên nhân gây nên phản vệ như: thuốc, thực phẩm, hóa chất, nọc độc côn trùng/bò sát, protein… Phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự có thể dẫn tử vong ngay lập tức nếu như không được xử trí kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi người dân phát hiện những trường hợp có tiếp xúc với các yếu tố nghi ngờ, sau đó xuất hiện các triệu chứng: mày đay, phù mạch nhanh; Khó thở, tức ngực, thở rít; Đau bụng hoặc nôn; Tụt huyết áp hoặc ngất; Rối loạn ý thức... lập tức đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí cho bệnh nhân và để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Để phòng tránh phản vệ, bệnh nhân cần báo cho thầy thuốc biết bạn đã từng dị ứng hay phản vệ.

Đồng thời nhân viên y tế có trách nhiệm hỏi kỹ các tiền sử dị ứng của bệnh nhân, thực hiện test thuốc theo quy định của Bộ Y tế, luôn kiểm tra hộp thuốc chống sốc, thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế về nhận biết và xử trí phản vệ.

Theo Đời sống
back to top