Hà Nội: Hiểm hoạ từ hàng vạn cục nóng điều hoà phơi nắng, mưa
Nguyễn Hải
Việc lắp đặt cục nóng điều hòa sai vị trí, để phơi nắng, phơi mưa vẫn xảy ra phổ biến tại Hà Nội, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Trên địa bàn Hà Nội, các toà chung cư cao tầng hay nhà mặt đất, cục nóng điều hòa lắp đặt sai vị trí, để phơi nắng, phơi mưa vẫn xảy ra phổ biến. Việc này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn rủi ro khó lường.
Tại quận Thanh Xuân, chằng chịt hệ thống các cục nóng điều hòa được lắp đặt ngoài trời, không được che chắn.
Thông thường vì yếu tố kỹ thuật hoặc do người dùng muốn tiết kiệm không gian nên phần đông người sử dụng chấp nhận lắp cục nóng điều hòa ngoài trời mà không có mái che nắng, mưa. Theo thời gian đường ống sẽ rò nước, thiết bị treo lắp các dàn nóng này cũng rỉ sét và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, nhất là vào đợt mưa bão.
Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Mặc dù khả năng cục nóng điều hòa bị cháy nổ là ít gặp, tuy nhiên đã có một số vụ tai nạn xảy ra do lắp đặt cục nóng điều hòa sai vị trí, thường gặp ở các tòa chung cư.
Một toà nhà cao tầng, hiện đại nhưng vẫn lắp đặt sai vị trí cục nóng điều hoà.
Dày đặc những cục nóng được lắp đặt ngoài trời, vị trí thấp, hơi nóng phả thẳng ra đường khiến thời tiết ngày hè càng thêm oi bức.
Tại quận Hà Đông, tình trạng này cũng xảy ra khá phổ biến.
Vào mùa hè, để chống lại cái nắng nóng như thiêu đốt, nhiều gia đình có thói quen bật điều hòa 24/24 mà không cho máy có thời gian nghỉ ngơi nên có thể xảy ra cháy nổ khi đang sử dụng.
Anh Cường, thợ sửa điều hòa kinh nghiệm lâu năm ở Hà Nội cho biết, việc bắt ép điều hòa hoạt động hết công suất trong thời gian dài có thể khiến dàn nóng gặp phải hiện tượng quá tải, quá nhiệt và có thể dẫn đến cháy nổ, hỏng hóc.
Một dãy cục nóng được lắp đặt sát với đường dây điện.
Tại quận Hoàng Mai, tình trạng lắp đặt cục nóng sai vị trí xảy ra các chung cư, nhà tập thể cũ.
Đáng chú ý, tại văn phòng điều hành một dự án, cục nóng được lắp đặt ngay trên mái tôn. Theo các chuyên gia, nếu lắp đặt ở vị trí mái tôn, phơi nắng phơi mưa lâu ngày sẽ có nguy cơ rò rỉ gas dẫn cùng với nhiệt độ nóng bên ngoài sẽ dẫn đến sự cố phát nổ.
Theo các chuyên gia về điện lạnh, nên lắp đặt cục nóng điều hòa ở khu vực có mái che chắn, không bị các tác nhân bên ngoài môi trường làm ảnh hưởng. Tránh khu vực gần cửa sổ, cửa nhôm hay nơi không bằng phẳng, rung lắc khi vận hành.
Cùng với đó, cục nóng, điều hòa cần được bảo dưỡng định kỳ. Với nhà cao tầng, ít bụi, gần hồ, chỉ cần bảo dưỡng 1 năm/lần. Nhà gần đường, nhiều bụi thì phải bảo dưỡng 2-3 lần/năm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hiểm họa từ những căn nhà không lối thoát hiểm (Nguồn: THĐT):