“Báo động đỏ" giành giật sự sống cho nam thanh niên bị đâm thấu tim

Đêm trực ngày 7/12, kíp trực cấp cứu tại khoa Cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận một người bệnh nam (16 tuổi ở Hà Nội) vào viện với vết thương ngực hở vị trí cạnh núm vú trái. Vết thương đã đâm thấu tim nạn nhân.

Ấn nút báo động đỏ huy động toàn bộ lực lượng cấp cứu người bệnh

TS.BS Nguyễn Đình Liên, trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Bệnh viện E, cho biết, trong đêm trực ngày 7/12 nhận được cuộc điện thoại từ Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh - Hà Nội về trường hợp một nam thanh niên, 16 tuổi, bị thương ở ngực hở vị trí cạnh núm vú trái.

Vết thương do vật sắc nhọn gây nên, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngay lập tức, TS.BS Nguyễn Đình Liên (trực cọc I ngoại) và TS.BSNT Bùi Văn Dân - trưởng khoa miễn dịch dị ứng và da liễu (trực cọc I nội) cùng các bác sĩ trực cấp cứu đã “ấn nút báo động đỏ” huy động toàn bộ lực lượng cấp cứu người bệnh.

Cấp cứu bệnh nhân trong đệm - Ảnh BVCC

Cấp cứu bệnh nhân trong đệm - Ảnh BVCC

Chỉ sau đó ít phút, người bệnh được đưa vào cấp cứu trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt do mất máu nhiều và thở máy qua nội khí quản, mạch nhanh, huyết áp thấp... Ngực có vết thương rộng 3cm vị trí dưới núm vú trái, vết thương do vật sắc nhọn gây nên.

Các bác sĩ khám lâm sàng cho người bệnh thì thấy tiếng tim mờ, rì rào phế nang phổi trái không còn... Lập tức các bác sĩ nhận định, đây là vị trí vết thương nguy hiểm, có thể có vết thương tim.

Kíp trực cấp cứu đã ngay lập tức báo với kíp trực tim mạch và xin ý kiến chỉ đạo của TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E về phương án mổ tối cấp cứu nhằm cứu sống bệnh nhân đang ở “lúc ngàn cân treo sợi tóc” này.

Căng thẳng giành sự sống cho bệnh nhân

Phòng mổ Bệnh viện E ngay lập tức “sáng đèn”, ê kíp phẫu thuật sẵn sàng... chỉ sau vài phút được thông báo về ca mổ cấp cứu này. Dưới sự chỉ huy của TS.BS Nguyễn Công Hựu, ThS.BS Nguyễn Hoàng Nam - Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E là người trực tiếp thực hiện ca mổ cấp cứu.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Các bác sĩ cho hay, với những trường hợp cấp cứu vết thương lồng ngực đặc biệt vết thương tim phức tạp đòi hỏi các bác sĩ phải xử trí thật nhanh và chính xác mới có thể cứu sống người bệnh đang nguy kịch. Như trường hợp người bệnh này, các bác sĩ đã không chờ kết quả các xét nghiệm mà đẩy thẳng vào phòng mổ mới kịp phẫu thuật cứu sống người bệnh.

Sau hơn 2 giờ phẫu thuật khẩn cấp, ThS.BS Nguyễn Hoài Nam cùng kíp phẫu thuật đã tiến hành mở dọc đường mở ngực: đường ngực trước bên trái đi qua vết thương vào khoang màng phổi trái qua khoang liên sườn 4, tương ứng đi qua vết thương. Toàn bộ màng phổi phải đầy dịch máu loãng lẫn máu cục, phần mỡ vị trí trung thất bầm tím.

Các bác sĩ đã hút ra khoảng 2.500 ml máu. Thăm dò màng tim, các bác sĩ xác định có vết thủng rách màng tim khoảng 2cm, có máu cục...

Mở rộng màng tim, các bác sĩ tìm thấy có vết thương vị trí phễu của đường ra thất phải vẫn đang phun máu liên tục. Trong quá trình phẫu thuật xử lý khâu vết thương để cầm máu, người bệnh được truyền liên tục 7 đơn vị máu (tương đương với số máu đã mất của người bệnh).

Các bác sĩ cẩn thận kiểm tra toàn bộ màng phổi để xác định không tổn thương nào khác trước khi đóng lồng ngực cho người bệnh.

Ca phẫu thuật căng thẳng của các bác sĩ để dành lấy sự sống cho người bệnh. Đến nay, sau 12 tiếng, tình trạng sốc mất máu của người bệnh đã ổn định và được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực điều trị. Tại đây, người bệnh đã tỉnh táo và tiếp xúc tốt, tự thở oxy, dự kiến có thể được xuất viện trong vài ngày tới.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

ThS.BS Nguyễn Hoàng Nam khẳng định, đây không phải là trường hợp đầu tiên các bác sĩ của Bệnh viện E cấp cứu và phẫu thuật thành công cho người bệnh với vết thương tim nguy kịch. Trước đó đã có nhiều người bệnh bị tương tự được cứu sống.

Điều quan trọng, đối với những vết thương tim là tổn thương rất nặng và ít gặp của vết thương ngực hở (khoảng dưới 5%), được coi là tối cấp cứu trong ngoại khoa, vết thương tim cần được ưu tiên số 1 trong chẩn đoán, vận chuyển, xử lý.

Vì vậy, thực hiện “báo động đỏ” xử trí cấp cứu tối khẩn cấp với mục đích là cứu sống được người bệnh, đưa người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Khi “nút” báo động đỏ được khởi động, các bác sĩ sẽ có cơ hội tiếp cận người bệnh và xử trí vết thương tim trong thời gian ngắn nhất.

Việc thực hiện “báo động đỏ” sẽ huy động nhiều khoa, tập trung phương tiện, kỹ thuật và các thầy thuốc giỏi để cứu sống người bệnh trong thời gian vô cùng ngắn. Quy trình “báo động đỏ” mang lại cơ hội vàng, giúp hồi sinh các trường hợp người bệnh bị các vết thương tim nguy kịch...

Theo Đời sống
back to top