Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang, nghề làm hương Việt “điêu đứng”

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Công Thương Ấn Độ đã thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ nhập khẩu thông thường sang nhập khẩu hạn chế. Qua đó, tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hương ở Việt Nam.  

Thông báo của Bộ Công Thương Ấn Độ đồng nghĩa với việc nhập khẩu phải xin phép và được Ủy ban liên Bộ Ấn Độ xem xét cấp phép theo từng lô hàng. Ngoài ra, thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký nhưng không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.

Xử lý vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã họp với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý liên quan nhằm tìm ra giải pháp ứng phó. Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đều cho biết, việc Ấn Độ ra thông báo như vậy có thể sẽ làm sụp đổ hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này ở Việt Nam. Ông Võ Xuân Hợi, Giám đốc công ty Trường Giang cho biết, doanh nghiệp này sản xuất tập trung cho mùa cao điểm ở Ấn Độ nên nguyên vật liệu đang tồn kho ở ước tính khoảng 15 triệu USD.

Ông Phan Thành Luân, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Liêm Thành cho biết, sản phẩm hương nhang Việt Nam xuất khẩu đi Ấn Độ thực chất là loại hương thô không mùi mà nhà nhập khẩu Ấn Độ nhập về, sau đó mới ướp, tẩm các loại hương của Ấn Độ. Với các đặc điểm này, máy móc, thành phẩm cũng như nguyên liệu liên quan chỉ có thể sử dụng duy nhất cho mục đích sản xuất, xuất khẩu hương nhang Ấn Độ.

Đại diện công ty Vương Long cũng chia sẻ, việc Ấn Độ thay đổi một cách đột ngột khiến sản xuất kinh doanh bị định trệ, doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Hàng tồn kho số lượng lớn, không xuất khẩu đi nước khác được do không có thị trường xuất khẩu thay thế.

Còn theo VCCI, Ấn Độ là thị trường không thể thay thế của các sản phẩm hương nhang liên quan bởi không có nơi nào khác trên thế giới tiêu thụ loại sản phẩm này. Do đó, thông báo này của phía Ấn Độ ngay lập tức làm đình trệ toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hương nhang xuất khẩu đi Ấn Độ của Việt Nam với hơn 100 doanh nghiệp và khoảng 2,5 vạn lao động nông thôn cung cấp nguyên liệu tăm tre, keo, mùn cưa, bột than củi… hoặc trực tiếp sản xuất, gia công loại hương nhang này.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ có các biện pháp quyết liệt phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ giải quyết tình trạng này.

Theo Đời sống
back to top